Cải cách thủ tục hành chính hải quan thu hút làn sóng đầu tư phục hồi sau đại dịch

Thanh Sơn

Ngày 7/12, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị Cải cách Hải quan và Triển vọng thương mại” do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ (Dự án USAID TFP) đồng tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TS
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TS

Theo các chuyên gia, các hoạt động cải cách hành chính, tạo thuận lợi hóa thương mại đã góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 674 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: Hoạt động hỗ trợ của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ là kịp thời hơn bao giờ hết, đặc biệt liên quan đến việc Việt Nam thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO. Dự án đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và pháp lý hiệu quả thông qua nhiều hoạt động, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan, nâng cao năng lực và phát triển quan hệ đối tác công- tư hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị Cải cách Hải quan và Triển vọng Thương mại Việt Nam, ông Bradley Bessire - Phó Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, trong suốt hai thập kỷ qua, USAID đã hỗ trợ Việt Nam phát triển mội trường kinh doanh hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Kể từ năm 2018, Dự án USAID TFP đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan tập trung vào việc hợp lý hóa các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, một thủ tục xuất nhập khẩu thiết yếu nhằm đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.

Đại diện USAID cho biết, thông qua dự án Tạo thuận lợi Thương mại, cơ quan này đã và đang hợp tác chặt chẽ với ngành hải quan của Việt Nam để góp phần giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Tiêu biểu như việc USAID đã hỗ trợ Tổng cục Hải quan ban hành Thông tư 81 về Quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan và xây dựng Nghị định kiểm tra chuyên ngành. Nghị định này ước tính sẽ giảm 54% các biện pháp can thiệp tại cửa khẩu, từ đó giúp tiết kiệm cho các doanh nghiệp khoảng 67 triệu USD mỗi năm, giảm khoảng 2,5 triệu ngày công và các chi phí nhập khẩu liên quan. 

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thông tin, quá trình theo dõi cải thách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại của các bộ ngành, nhất là hải quan có thể thấy sự chuyển biến rõ rệt trước và sau năm 2015. Cụ thể, trước năm 2015, tỷ lệ hàng hoá xuất nhập khẩu bắt buộc phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan rất cao và hầu như chưa áp dụng quản lý rủi ro. Từ năm 2015 đến nay, việc kiểm tra chuyên ngành từng bước được cải thiện thông qua cắt giảm danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành hoặc chuyển từ từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ tuân thủ các thủ tục đều đã cải thiện đáng kể so với năm 2015. Doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn do quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi. Chất lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành cải thiện tốt hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Những cải cách đó đã trực tiếp rút ngắn đáng kể thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Với những nhận định về triển vọng thương mại phục hồi sau đại dịch, ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đánh giá, tính đến đầu năm 2020, số lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành đã giảm khoảng 15%. Cam kết cải cách của Chính phủ Việt Nam được minh chứng bằng các kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam đang trên đà thực hiện các cam kết trong hiệp định của WTO trước thời hạn, dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ vào cuối năm 2024.

Ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phát hiệu tại hội nghị. Ảnh: TS
Ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phát hiệu tại hội nghị. Ảnh: TS

Ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Giám đốc Ban Quản lý Dự án (PMU) cho biết, cùng với sự phát triển về thương mại, sự gia tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu, khối lượng công việc của cơ quan hải quan ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu cho cơ quan hải quan phải kịp thời cải cách, đổi mới, phải nghiên cứu, áp dụng các hình thức quản lý mới với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, đồng thời vẫn thực hiện được những nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát, ngăn chặn gian lận thương mại ngày càng tinh vi trong khi các nguồn lực đảm bảo cho thực thi nhiệm vụ có hạn.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ của xu hướng tiêu dùng, quảng bá sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng do ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến sự bùng nổ của thương mại điện tử quốc tế cũng đòi hỏi cơ quan Hải quan phải có chính sách quản lý phù hợp, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo sự công bằng, thuận lợi, nhưng cũng đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống gian lận thương mại.

Toàn cảnh Hội nghị Cải cách Hải quan và Triển vọng thương mại. Ảnh: TS
Toàn cảnh Hội nghị Cải cách Hải quan và Triển vọng thương mại. Ảnh: TS

Ngoài ra, Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển đột phá của các công nghệ tiên tiến và yêu cầu về việc chuyển đổi số đặt ra các thách thức và cũng là động lực cho Hải quan Việt Nam trong việc thực hiện hải quan số và ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý hải quan.

Nhìn nhận các xu hướng và thách thức nêu trên, cùng với quan điểm quyết liệt về cải cách, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022.

Theo đó, có thể kể đến những mục tiêu trọng tâm như: Xây dựng thành công mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, hiện đại hóa; Thực hiện hải quan xanh; Xây dựng Luật Hải quan (dự kiến trình Quốc hội vào năm 2026) thay thế Luật Hải quan hiện hành với nhiều thay đổi trong quy trình thủ tục và quản lý hải quan; Xây dựng mô hình quản lý phối hợp biên giới, mô hình thông quan tập trung, phát triển và tăng cường quan hệ hải quan - doanh nghiệp, tự động hóa công tác kiểm soát hải quan, cải cách các thủ tục hành chính hải quan thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế…

 

Hội nghị quy tụ hơn 200 đại diện từ các bộ, ngành, hiệp hội thương mại và cộng đồng doanh nghiệp để xem xét các biện pháp tạo thuận lợi thương mại gần đây và đưa ra lộ trình cải cách tiếp theo.