Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính để giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp
Trong những năm qua, để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện doanh nghiệp tồn tại và phát triển, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nói chung và Bộ Tài chính nói riêng đã tập trung cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chế độ báo cáo… Trong đó, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp đang được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ.
Đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã nghiên cứu các giải pháp cải cách, cắt giảm, đơn giản hoá các quy định thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Các giải pháp cải cách các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả, thực chất, đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, thống nhất, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cao trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp qua đó tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch và bình đẳng hơn.
Các giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính đảm bảo cải cách một cách thực chất mà thước đo cải cách thực chất đó chính là giảm gánh nặng hành chính (thời gian, chi phí) mà doanh nghiệp, người dân phải bỏ ra khi tham gia hoạt động kinh doanh, được đo kiểm bằng công cụ tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Ngày 12/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Chương trình đặt ra mục tiêu:
(i) Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ,
(ii) Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 803/QĐ-BTC ngày 01/6/2020 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2020 của Bộ Tài chính.
Bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các yêu cầu kiểm soát TTHC. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã lựa chọn các giải pháp tối ưu cho việc ban hành TTHC, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và phù hợp với mục tiêu quản lý.
Về cơ bản, TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính được nghiên cứu xây dựng theo hướng cụ thể hoá quy trình giải quyết, giảm bớt các bước trung gian không cần thiết và tăng tính liên thông, phối hợp, kết hợp, kế thừa kết quả giải quyết của các cơ quan nhà nước, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong năm 2022, BộTài chính đã công bố bãi bỏ khoảng 130 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 161 TTHC nhằm cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Hàng năm, Bộ Tài chính đều ban hành Kế hoạch hành động để triển khai đối với các đơn vị, trong đó đều có giải pháp rà soát, cắt giảm các quy định, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài chính đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính tích cực cực rà soát, chuẩn hóa các chế độ báo cáo định kỳ, triển khai báo cáo điện tử góp phần chuyển đổi phương thức điều hành từ truyền thống, dựa trên báo cáo giấy sang điều hành hiện đại, dựa trên dữ liệu số.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã rà soát đề xuất danh mục chế độ báo cáo định kỳ điện tử hóa giai đoạn 2021-2022 bao gồm 230 chế độ báo cáo đạt tỷ lệ 79,31%, vượt hơn 20% so với yêu cầu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện triển khai phần mềm Hệ thống báo cáo điện tử tới địa phương và địa phương không phải xây dựng phần mềm góp phần bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tập trung.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan tiên tiến, hiện đại, hướng tới mô hình hải quan số, hải quan thông minh với mức độ số hóa và tự động hóa cao đáp ứng yêu cầu thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả trước, trong và sau thông quan; Tăng cường thực hiện việc trao đổi, kết nối và chuyển đổi số đối với các dữ liệu, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan từ Hệ thống Một cửa quốc gia và hệ thống quản lý chuyên môn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của các bộ, ngành với Hệ thống xử lý dữ liệu của ngành Hải quan.
Đến nay, các thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) với 100% đơn vị Hải quan trên phạm vi toàn quốc thực hiện, hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 đến 3 giây.
Tổng cục Hải quan đã ký kết với 44 ngân hàng để phối hợp thu thuế điện tử, số thu đạt khoảng 99,8% số thu ngân sách toàn Ngành; Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 91% tổng số dịch vụ công; Đã tích hợp 98 TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đã có 259 TTHC của 13 bộ, ngành kết nối, thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia với hơn 50.000 doanh nghiệp tham gia; Đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN. Tổng cục Hải quan cũng triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với 495 doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho, bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.
Trong lĩnh vực thuế, việc triển khai ứng dụng thuế điện tử (eTax Mobile) được cài đặt trên điện thoại di động thông minh hệ điều hành iOS hoặc Android, cho phép cá nhân, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh có thể tra cứu tờ khai đăng ký thuế mọi lúc, mọi nơi trên thiết bị có kết nối 3G/4G/Wifi/GPRS.
Ứng dụng eTax Mobile mang lại nhiều thuận lợi cho người dân khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet và cài đặt ứng dụng eTax Mobile, người dân có thể giao dịch điện tử với cơ quan thuế vào mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến trực tiếp tại kho bạc hay ngân hàng. Ứng dụng nộp thuế này giúp người dân tiết kiệm chi phí và thời gian; thông tin nộp thuế được an toàn và bảo mật; việc quản lý, theo dõi và tra cứu thông tin nộp thuế cũng rất dễ dàng.
Triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả các giải pháp cải cách, cắt giảm, đơn giản hoá các quy định thuộc phạm vi quản lý của Bộ để thúc đẩy cải cách các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả, cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia.
Hai là, tăng cường truyền thông và đối thoại giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân; huy động sự tham gia tích cực của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, các hiệp hội doanh nghiệp tích cực phản ánh, kiến nghị, góp ý về các dự thảo văn bản và văn bản hiện hành lên cổng dịch vụ công quốc gia để tăng tính phản biện của doanh nghiệp, người dân về các quy định pháp luật, qua đó nâng cao chất lượng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Ba là, tăng cường trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cải cách TTHC của các cấp, các ngành; Mở rộng sự tham gia giám sát của người dân đối với việc giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ưu tiên đề xuất áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bốn là, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC, tổ chức thực thi các phương án phân cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022; tập trung rà soát, đơn giản hóa 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ để nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Năm là, triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và đánh giá, công khai chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công tại Bộ Tài chính.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2014), (2020), Luật Đầu tư;
- Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp;
- Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
- Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 479/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Nguyễn Mạnh Hùng (2020), Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
- Báo cáo Môi trường kinh doanh - Ngân hàng Thế giới (các năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019);
- Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (các năm 2016, 2017, 2018, 2019);
- Việt Nam 2035: Từ chiến lược đến hành động đề xuất lộ trình cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam - Chương trình đối tác chiến lược Australia - Nhóm Ngân hàng Thế giới (Năm 2021);
- Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Cẩm nang chuyển đổi số, https://dx.mic.gov.vn/doc-truc-tuyen/cam-nang-chuyen-doi-so/pdf/cam-nang-chuyen-doi-so.pdfOECD (2021). Programme for International Student Assessment 2020.