Bộ Tài chính lấy thực tiễn làm thước đo trong cải cách thủ tục hành chính
Bộ Tài chính đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp với phương châm bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Luôn trong top đầu các bộ, ngành về cải cách thủ tục hành chính
Bộ Tài chính xác định, cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển của Ngành.
Ngay từ cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2022. Triển khai kế hoạch bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các yêu cầu kiểm soát thủ tục hành chính.
Theo đó, trong năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện và hiệu quả, thực hiện tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong đánh giá tác động thủ tục hành chính, luỹ kế từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/12/2022, Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 58 thủ tục hành chính tại 17 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực hải quan, thuế, tài chính doanh nghiệp, bảo hiểm, tài chính ngân hàng và quản lý nợ. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.
Luỹ kế từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/12/2022, Bộ Tài chính đã ban hành 12 quyết định công bố bãi bỏ 152 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 204 thủ tục hành chính; công bố mới 58 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, quản lý nợ, tài chính ngân hàng và tài chính doanh nghiệp.
Đến nay, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 801 thủ tục hành chính. Trên cơ sở Quyết định công bố thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện thủ tục hành chính theo đúng quy định.
Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, trong năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan Bộ ổn định và hiệu quả.
Lũy kế từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/12/2022, Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính đã tiếp nhận 1252 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc 05 lĩnh vực (bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, tin học, tài chính ngân hàng và giá). Trong đó, đã trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 1.007 hồ sơ và đang giải quyết trong hạn 245 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.
Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đã được ghi nhận. Theo báo cáo tổng hợp kết quả chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ đã được công bố ngày 25/5/2022, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ với kết quả Chỉ số cải cách hành chính đạt 91,9/100 điểm. Đây là năm thứ 8 liên tục (từ năm 2014-2021) Bộ Tài chính luôn nằm trong top 3 đứng đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.
Cải cách xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo
Năm 2023, công tác cải cách thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được Bộ Tài chính tập trung thực hiện. Theo đó, trong kế hoạch cải cách hành chính, Bộ Tài chính đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả cụ thể, thực chất, không hình thức.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện toàn diện các quy định về nội dung, thẩm quyền, trách nhiệm; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các khâu trung gian, quy trình, thủ tục hành chính rườm rà, quy định rõ trách nhiệm, minh bạch trong thực hiện nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, kể cả tham nhũng vặt trong tổ chức thực hiện; bảo đảm tạo thuận lợi, đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ giám sát.
Đặc biệt, thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, đánh giá tác động của thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và rà soát thủ tục hành chính trong quá trình thực thi. Đồng thời, thẩm định, thẩm tra chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính.
Bộ Tài chính cũng thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có.
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện việc luân chuyển hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trong nội bộ giữa các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ bằng phương thức điện tử đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Bộ Tài chính phấn đấu tối thiểu 50% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ với nhau.
Năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai có hiệu quả việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai, vận hành hoạt động Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính và Bộ phận Một cửa tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính đảm bảo ổn định; thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo 100% đúng hạn cho cá nhân, tổ chức; nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân.