Cải cách tiền lương vẫn còn “cửa sáng”

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Nhờ Nghị định 16, một khoản lớn ngân sách sẽ không còn chi trả cho khối đơn vị sự nghiệp công lập, mà chuyển sang phục vụ cho cải cách tiền lương cho khối cơ quan hành chính nhà nước.

Một khoản lớn ngân sách sẽ không còn chi trả cho khối đơn vị sự nghiệp công lập, mà chuyển sang phục vụ cho cải cách tiền lương. Nguồn: internet
Một khoản lớn ngân sách sẽ không còn chi trả cho khối đơn vị sự nghiệp công lập, mà chuyển sang phục vụ cho cải cách tiền lương. Nguồn: internet
Bố trí ngân sách cho tăng lương năm 2016: Còn rất khó khăn

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm của Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, ngày 09/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã thừa nhận rằng, bố trí ngân sách cho tăng lương theo kế hoạch vào ngày 01/01/2016 là rất khó khăn.

Nhiều năm qua, cải cách tiền lương là công việc phức tạp vì liên quan tới những khó khăn trong cân đối ngân sách để chi trả, trong khi tinh giản biên chế không có nhiều khởi sắc.

Hiện mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được thực hiện từ giữa năm 2013 là 1,150 triệu đồng/tháng, mới chỉ đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu bình quân của 4 vùng của khu vực doanh nghiệp (2,6 triệu đồng/tháng) và tính ra mới đạt 35,6% so với mức chi cho nhu cầu tối thiểu (3,23 triệu đồng/tháng).

Thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản ở các khu vực, từ ngày 1/1/2016, Chính phủ sẽ phải điều chỉnh mức lương này. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp và đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì mức lương mới phải bù được trượt giá và có cải thiện từng bước, phù hợp với tăng trưởng kinh tế.

Nghị định 16: Thêm "cửa sáng" cho cải cách tiền lương

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo đánh giá, việc cải cách tiền lương vẫn còn “dư địa” khi Chính phủ đã ban hành Nghị định 16 vào đầu năm nay về đổi mới hoạt động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, một khoản lớn ngân sách Nhà nước sẽ không còn chi trả cho khối này nữa, mà để phục vụ cho cải cách tiền lương ở khu vực cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, việc không tăng tổng biên chế nhà nước, số tuyển vào bằng một nửa so với số về hưu hay điều chuyển công tác cũng đã tạo thêm “dư địa” cho công tác cải cách tiền lương.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhìn nhận, cải cách tiền lương vẫn còn hạn chế, lương cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của cuộc sống. Cải cách đơn vị sự nghiệp còn chậm, từ đó tạo nguồn cải cách tiền lương chưa có đột phá.

Để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương ở khu vực doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo dứt khoát thực hiện theo một lộ trình tăng lương, tiếp tục rà soát các quy định về tiền lương trong doanh nghiệp để sửa đổi,bổ sung cho phù hợp hơn. Ngoài ra các bộ, ngành kiểm soát việc tuyển lao động của doanh nghiệp nhà nước để tránh gia tăng biên chế.

Đối với khối đơn vị sự nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “phải thực hiện quyết liệt việc đổi mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Bởi việc tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp không chỉ tạo ra nguồn tăng lương, mà còn nhằm mục tiêu lớn hơn là nâng cao chất lượng dịch vụ công (như giáo dục, đào tạo, y tế...).

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính tính toán cân đối ngân sách giai đoạn 2016- 2020, trong đó, nghiên cứu nguồn để điều chỉnh tiền lương.