Cải cách toàn diện hệ thống hành chính thuế
Những nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống thuế suốt một năm qua trong thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các cấp đã góp phần cải cách toàn diện hệ thống hành chính thuế, từ thể chế, phương thức, đến bộ máy, con người quản lý.
Ngân hàng Thế giới (WB) quyết định không thực hiện xếp hạng Môi trường kinh doanh 2021 do tác động của Covid-19 đến kết quả kinh doanh toàn cầu thay đổi bất thường, ảnh hưởng đến các kết quả đánh giá.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho rằng, nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống thuế trong suốt một năm qua trong thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các cấp đã góp phần cải cách toàn diện hệ thống hành chính thuế, từ thể chế, phương thức, đến bộ máy, con người quản lý.
Tại Báo cáo môi trường kinh doanh – Doing Business 2020, chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) của Việt Nam tăng 22 bậc từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế được đánh giá.
Với chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 là tăng 7-10 bậc về chỉ số nộp thuế trong năm 2019, tiệm cận mục tiêu đến năm 2021 chỉ số nộp thuế tăng lên 30-40 bậc.
Ghi nhận những cải cách hiện đại hóa về thuế của Việt Nam trong thời gian qua, nhóm nghiên cứu Doing Business của WB đã theo dõi sát những giải pháp và thực tế áp dụng tại Việt Nam, qua đó sẽ thu thập dữ liệu, rà soát và cập nhật vào Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2021 (Doing Business 2021).
Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2020, cơ quan Thuế đã thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách TTHC tại các Nghị quyết, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, Tổng cục Thuế đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về kiểm soát TTHC.
Bên cạnh đó, công khai các TTHC trong lĩnh vực thuế đã và đang được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như đăng tải tại các trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố, các Chi cục Thuế; Đồng thời, niêm yết các TTHC thuộc cấp Tổng cục Thuế tại trụ sở Văn phòng Tổng cục Thuế; các TTHC cũng được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia, công khai tại trụ sở cơ quan để người nộp thuế tra cứu thực hiện và đóng góp ý kiến cũng như yêu cầu mọi cán bộ, công chức thuế khi tiếp nhận và giải quyết TTHC thuế của người nộp thuế phải thực hiện đúng quy định.
Tổng cục Thuế cho rằng, nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống thuế trong suốt một năm qua khi thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các cấp đã đẩy mạnh cải cách toàn diện hệ thống hành chính thuế, từ thể chế, phương thức, đến bộ máy, con người quản lý.
Theo đó, rất nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được đưa vào hệ thống để cắt giảm, đơn giản hóa nhiều khâu trong quy trình quản lý và tạo thêm dư địa để cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Đơn cử như thời gian doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị nộp thuế giá trị gia tăng (bao gồm lập bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra theo Tờ khai thuế giá trị gia tăng) đã giảm khoảng 90 giờ (từ 212 còn 122 giờ). Thời gian kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 5 lần xuống 1 lần.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm chi cục thuế theo Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg của Thủ trướng Chính phủ và Quyết định số 520/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã giúp hệ thống thuế tinh gọn bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, các bộ phận quản lý nội ngành để tập trung nguồn lực cho bộ phận quản lý thuế trực tiếp, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.
Tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Quyết định mới, theo đó giải thể 27 đầu mối cấp phòng tại Tổng cục Thuế và giảm 62 đầu mối cấp phòng tại các Cục Thuế địa phương; tương ứng giảm 89 Trưởng phòng và tương đương.
Tại Chi cục Thuế, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình mới, giảm 2.100 đầu mối cấp đội; sắp xếp, hợp nhất 565 Chi cục Thuế trực thuộc 63 Cục Thuế để thành lập 269 Chi cục Thuế khu vực, giảm 296 Chi cục Thuế. Số Chi cục Thuế còn lại là 415 Chi cục.
Về tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, cơ quan thuế đã cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; triển khai các hệ thống một cửa điện tử.
Hiện lĩnh vực thuế có 304 TTHC; trong đó, có 32 TTHC thực hiện ở mức 3 và có 150 TTHC các tổ chức, cá nhân thường xuyên sử dụng đã thực hiện ở mức 4. (tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đều có giải pháp xác thực điện tử bằng hình thức ký số trên hồ sơ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử của người nộp thuế gửi đến cơ quan thuế đảm bảo an toàn thông tin).
Tính đến táng 12/2020 số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đã đạt 99,98% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước; 99% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 94,73% số hồ sơ thực hiện theo phương thức hoàn thuế điện tử...
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bảo đảm yêu cầu, chất lượng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các cá nhân, doanh nghiệp về tuân thủ TTHC trong lĩnh vực thuế, năm 2021, cơ quan thuế sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả; triển khai, vận hành có hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa.
Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC nhằm đánh giá tình hình giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp và kịp thời chấn chỉnh, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC.
Cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; Tổng cục Thuế tiếp tục xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý, ngành thuế sẽ tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ: khai thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế...
Những cải cách mạnh mẽ đối với lĩnh vực thuế trong giai đoạn 2016 - 2020 đã giúp nâng 64 bậc xếp hạng về chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam theo đánh giá của World Bank tại báo cáo Doing Business từ vị trí 173 (năm 2015) lên vị trí 109 (năm 2020).