Tiếp nối truyền thống vẻ vang, nâng vị thế ngành Thuế lên tầm cao mới
75 năm qua, bằng tất cả trí lực, tình cảm, tâm huyết, các thế hệ cán bộ ngành thuế đã gây dựng nên bề dày truyền thống đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo, đổi mới. Để tiếp nối truyền thống vẻ vang, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành thuế phải tiếp tục vun đắp, xây dựng, phát huy hơn nữa những thế mạnh, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nâng vị thế ngành thuế lên tầm cao mới. Đó là chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhân kỷ niệm 75 Ngày Truyền thống ngành thuế Việt Nam (10/9/1945-10/9-2020).
PV. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thuế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Xin Tổng cục trưởng cho biết những dấu mốc đáng nhớ trong hành trình vẻ vang đó?
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn: Minh chứng qua các thời kỳ cho thấy, thuế là công cụ của Đảng và Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nên từ khi ra đời đến nay, hệ thống thuế luôn là chính sách vĩ mô để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.
Trong giai đoạn 1945-1954, công tác thuế đã góp phần bảo đảm nguồn lực cho Nhà nước Việt Nam non trẻ ổn định và phát triển, mà đỉnh cao là huy động được nguồn lương thực, tài chính cần thiết cho chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi.
Tiếp đó, chính sách thuế đã đảm bảo nguồn thu NSNN, đáp ứng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Từ sau năm 1975 đến nay, công tác thuế tập trung vào việc ban hành các chính sách và tổ chức thực hiện để có nguồn lực đảm bảo cho hệ thống chính trị và xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt, với dấu mốc ngày 7/8/1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 218-HĐBT, ngành Thuế đã hợp nhất 3 tổ chức gồm thu quốc doanh, thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp thành một hệ thống thống nhất từ trung ương đến địa phương. Trong suốt thời gian vận hành theo mô hình mới tiếp theo, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển, ngành Thuế đã xây dựng và tiến hành 4 công cuộc đột phá trong cải cách hệ thống thuế.
Theo đó, trong giai đoạn cải cách thuế bước 1 (1990-1995), với mục tiêu là xây dựng hệ thống thuế thống nhất, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, Tổng cục Thuế đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 9 sắc thuế và một số loại phí, lệ phí. Thực hiện cải cách thuế bước 2 (1996-2000), để đáp ứng hai yêu cầu xây dựng hệ thống thuế đơn giản, tiếp cận với thông lệ quốc tế, Tổng cục Thuế tiếp tục trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN. Đây là hai loại thuế cơ bản, điển hình cho thuế gián thu và thuế trực thu.
Trong giai đoạn cải cách thuế bước 3 (2000-2010), cùng với việc trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN (năm 2003, 2008), Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT (năm 2003, 2005) để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, Tổng cục Thuế đã tham mưu với cấp có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế. Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1/7/2007 là một dấu ấn quan trọng, chuyển cơ quan thuế từ cơ quan đi thu thuế sang thực hiện chức năng quản lý thuế là tuyên truyền, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, tăng cường công tác thanh kiểm tra; người nộp thuế thực hiện tự khai, tự tính, tự nộp thuế vào NSNN và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn 2011-2020, ngành Thuế thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế, ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, hiện đại, đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đằng giữa các thành phần kinh tế; giảm động viên vào ngân sách, tăng tích tụ vốn cho DN và nhà đầu tư.
Như vậy, sau 30 năm quyết liệt tự đổi mới chính mình, ngành Thuế đã phát triển vượt bậc. Nhờ công tác quản lý thuế ngày càng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả và các giải pháp về thuế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên từ năm 1990 đến nay, số thu NSNN do ngành Thuế thực hiện luôn hoàn thành vượt dự toán, năm sau tăng trưởng hơn năm trước.
Riêng các năm từ 2001 đến nay, tỷ lệ động viên về thuế, phí so với GDP liên tục tăng cao, cơ cấu thu thay đổi theo hướng tăng thu từ nội địa, trở thành nguồn thu chủ yếu và ổn định của NSNN. Nguồn thu từ thuế đóng góp vào NSNN không chỉ đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, mà còn tăng cường cơ sở vật chất và tạo tiềm lực vững chắc cho công cuộc phát triển đất nước.
Đến nay, ngành Thuế đã hình thành hệ thống chính sách thuế khá đầy đủ, bao quát được hầu hết các nguồn thu, áp dụng thống nhất đối với mọi thành phần kinh tế và thích ứng với yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, bền vững.
Trên nền tảng của tư duy mới, cách nghĩ, cách làm chuyên nghiệp, công tác thuế trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc, được các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận, cộng đồng DN đánh giá cao. Những nỗ lực này của ngành Thuế đang được triển khai như thế nào, thưa Tổng cục trưởng?
Mục tiêu lớn nhất trong công tác cải cách thuế là phát triển và bao quát nguồn thu, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, công bằng, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo định hướng đó, từ năm 2016 đến nay, ngành Thuế đã triển khai các chính sách nhằm mở rộng, bao quát nguồn thu NSNN cùng với triển khai quyết liệt công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020, thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước vượt bình quân 6,5%/năm, quy mô thu ngân sách của hầu hết các địa phương đều tăng lên qua các năm, góp phần chủ yếu đưa quy mô thu NSNN toàn quốc 5 năm 2016-2020 ước gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân đạt khoảng 24,7% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP.
Cùng với đó, ngành Thuế đã rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hoá hướng tới tạo thuận lợi cho DN, người nộp thuế. Cụ thể, giảm từ 385 thủ tục năm 2016 xuống còn 304 thủ tục hành chính hiện nay; thực thi các phương án đơn giản hoá để đáp ứng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 theo yêu cầu của Bộ Tài chính và đã tích hợp 120 thủ tục hành chính thuế lên cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 130% kế hoạch được giao trong năm 2020.
Nhờ đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 100% chi cục thuế với trên 756.792 DN tham gia, đạt 99,9% DN đang hoạt động; 99,7% DN đăng ký nộp thuế điện tử; giải quyết hoàn thuế điện tử hơn 18.394 hồ sơ; 255 DN đang tham gia thí điểm sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Những nỗ lực về cải cách của ngành Thuế đã được ghi nhận tại báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2019, với mức độ hài lòng của người nộp thuế đã tăng từ 7,5/10 của kỳ đánh giá năm 2016 lên 7,8/10 (tăng 3%). Đặc biệt, tại báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business 2020) được Ngân hàng Thế giới công bố, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá. Như vậy, với chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra, tiệm cận mục tiêu đến năm 2021 chỉ số nộp thuế tăng lên 30-40 bậc. Những nỗ lực của ngành Thuế đã được cộng đồng DN ghi nhận qua “Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: mức độ hài lòng của DN năm 2019” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, khi mức độ hài lòng của DN về cải cách hành chính thuế ngày càng tăng.
Đặc biệt, triển khai hiệu quả việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, không tổ chức cấp phòng thuộc vụ. Từ cuối năm 2018 đến nay, đã sắp xếp hợp nhất 565 lượt chi cục thuế để thành lập 267 chi cục thuế khu vực, giảm 296 chi cục thuế; giảm số lượng chi cục thuế trong cả nước từ 711 chi cục thuế xuống còn 415 chi cục, đạt 102% kế hoạch về số lượng và vượt thời gian trước 10 tháng. Từ đầu năm đến nay, trước tác động khó lường của dịch Covid-19, ngành Thuế đã khẩn trương triển khai các chính sách về thuế của Chính phủ và chủ động thực hiện những giải pháp quản lý thuế nhằm hỗ trợ tối đa người nộp thuế vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Thuế năm nay là một dịp đáng nhớ, bởi trong không khí thi đua hoàn thành nhiệm vụ chào mừng ngày kỷ niệm, ngành Thuế cũng tiếp tục nỗ lực cùng người nộp thuế vượt qua tác động của dịch bệnh. Nhân dịp này, Tổng cục trưởng có thông điệp gì gửi tới toàn thể công chức, viên chức và người lao động ngành Thuế để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đưa ngành Thuế phát triển?
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, có thể thấy rõ thuế luôn là công cụ có hiệu lực của Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn lịch sử. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế phải liên tục nỗ lực, sáng tạo, đổi mới, phấn đấu không ngừng để đóng góp vào sự nghiệp thu NSNN.
Để hiện thực hoá trọng trách lớn lao này, ngành Thuế cần thực hiện từ những hành động thiết thực nhất. Cụ thể là, trong bối cảnh cả nước đang chung tay chống dịch Covid-19, để hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống, thay vì tổ chức lễ kỷ niệm, cơ quan thuế các cấp sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua chào mừng Ngày truyền thống, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, tổ chức thăm hỏi, tri ân các thế hệ công chức thuế, qua đó giáo dục truyền thống của ngành đến toàn thể cán bộ, người lao động thêm hiểu và tự hào về bề dày lịch sử vẻ vang của ngành. Một hoạt động thiết thực khác là triển khai tuần lễ “Đồng hành cùng người nộp thuế” tại cơ quan thuế địa phương từ ngày 7/9 đến 11/9 để lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của người nộp thuế trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh; giải đáp, hướng dẫn thực thi pháp luật về thuế cũng như áp dụng các biện pháp hỗ trợ người nộp thuế về giảm thuế, gia hạn nộp thuế.
Trong thời gian tới, trước yêu cầu phát triển và hiện đại hoá của đất nước, trách nhiệm của ngành Thuế càng nặng nề. Dù chặng đường phía trước sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sức mạnh từ niềm tự hào về bề dày truyền thống vẻ vang của ngành sẽ tiếp sức, động viên các thế hệ thuế hôm nay tiếp tục gìn giữ và phát huy, nâng vị thế của ngành lên tầm cao mới.
Để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, tôi mong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, đổi mới, sáng tạo, góp phần đưa ngành Thuế đi đầu trong công cuộc cải cách hành chính, đưa Việt Nam đứng thứ hạng cao trong khu vực trong xếp hạng thuận lợi về thuế. Với truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển, tôi tin tưởng rằng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế sẽ tiếp tục đoàn kết, lao động sáng tạo, đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong giai đoạn mới.
Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!