Cải cách toàn diện về quản lý hàng hóa chuyên ngành
Ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK (gọi tắt là Đề án). Đề án nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, theo định hướng tại Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.
Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đặt ra mục tiêu cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm để giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Cụ thể hóa mục tiêu trên, trong thời gian qua Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Dự án USAID (GIG - Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện) tổ chức khảo sát thực tế tại một số DN, địa phương, cơ quan kiểm tra chuyên ngành phía Bắc, phía Nam, tổ chức một số hội thảo chuyên đề về kiểm tra chuyên ngành, qua đó đánh giá tổng thể công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, từ hệ thống văn bản pháp luật đến thực tế thực hiện.
Thực tế cho thấy, hoạt động kiểm tra chuyên ngành tồn tại rất nhiều bất cập. Hệ thống văn bản pháp luật quy định Danh mục mặt hàng phải kiểm tra nhiều nhưng thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Có tới 259 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành; trên 200 Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành với khoảng 100.000 dòng hàng hóa. Tổ chức hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu với lực lượng còn mỏng, phương tiện còn thiếu, hiệu quả thấp. Việc trao đổi thông tin và phối hợp trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn nhiều hạn chế.
Một số DN XNK có hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được đưa về bảo quản chờ kết quả kiểm tra không tự giác trong việc thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm tra chuyên ngành, tự ý đưa hàng hóa vào thị trường tiêu thụ khi chưa có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu NK. Xuất phát từ thực tế trên đòi hỏi sớm có sự cải cách về hệ thống pháp luật và bộ máy kiểm tra chuyên ngành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm nguồn lực của xã hội đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa; quản lý chặt chẽ hàng hóa trong quá trình kiểm tra, chờ kết quả kiểm tra; đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và phát triển nền sản xuất trong nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Chính vì vậy, Đề án đưa ra 4 mục tiêu cụ thể: Một là, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XK, NK hàng hóa tại cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí cho DN, giảm chi phí cho NSNN.
Hai là, giảm thời gian thông quan hàng hóa XK, NK ngang bằng với các nước ASEAN-6. Năm 2016 là dưới 10 ngày đối với hàng XK và dưới 12 ngày đối với hàng NK; đến năm 2020 còn dưới 5 ngày đối với hàng XK và hàng NK.
Ba là, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích XK hàng hóa của Việt Nam; tạo hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa NK (nhất là những mặt hàng nhà nước không khuyến khích NK); bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.
Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đại diện Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) đơn vị được giao chủ trì xây dựng Đề án, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK được xây dựng dựa trên quan điểm, định hướng là xác định những lĩnh vực, mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thực hiện là hàng hóa gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, gây ô nhiễm môi trường, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia như: Hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch động vật, thực vật, y tế, hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, phế liệu, phế thải, vũ khí, chất phóng xạ...
Những mặt hàng này phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ngay tại cửa khẩu, tại các địa điểm có sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra chuyên ngành cũng được xã hội hóa. Tức là, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác định những lĩnh vực, mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thực hiện xã hội hóa; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, điều kiện thực hiện xã hội hóa; quy định việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Các giải pháp phải thực hiện đồng bộ nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hoạt động kiểm tra phải phù hợp với thông lệ quốc tế, với các Công ước, Hiệp định quốc tế Việt Nam đã ký kết và tham gia; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành; thừa nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành của nước XK, NK, ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử về kết quả kiểm tra chuyên ngành giữa các cơ quan kiểm tra, quản lý có liên quan.
Lộ trình thực hiện Đề án đến năm 2020:
Giai đoạn 2015-2016: Hoàn thiện việc xây dựng và ban hành thể chế hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành; hoàn thành việc đầu tư trang thiết bị, máy móc phương tiện và đào tạo nguồn nhân lực.
Giai đoạn 2017-2018: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đầu tư nguồn lực tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ nhằm rút ngắn thời gian thông quan.
Giai đoạn 2019-2020: Hoàn thiện về thể chế, phương thức thực hiện, đầu tư nguồn lực thực hiện kiểm tra chuyên ngành đạt chuẩn ASEAN-4 tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên toàn quốc.