Kiểm tra chuyên ngành phải tạo thuận lợi, giảm thời gian thông quan
Hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XK, NK hàng hóa tại cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí cho DN, giảm chi phí cho NSNN.
Tập trung kiểm tra mặt hàng nguy hại
Đó là một trong những mục tiêu trong Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành kèm theo Quyết định 2026/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, Đề án cũng đặt ra yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích XK hàng hóa của Việt Nam; tạo hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa NK; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế đối với hàng hóa XK, NK, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn kinh tế; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Tiến tới giảm thời gian thông quan hàng hóa XK, NK ngang bằng với các nước ASEAN-6. Năm 2016, thời gian thông qua giảm xuống dưới 10 ngày đối với hàng XK và dưới 12 ngày đối với hàng NK; Đến năm 2020 còn dưới 5 ngày đối với hàng XK và hàng NK.
Trước mục tiêu đó, hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành sẽ tập trung vào các mặt hàng gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, gây ô nhiễm môi trường, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia (hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch động vật, thực vật, y tế, hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, phế liệu, phế thải, vũ khí, chất phóng xạ...). Những mặt hàng này phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ngay tại cửa khẩu, tại các địa điểm có sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hoạt động kiểm tra chuyên ngành sẽ được xã hội hóa. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác định những lĩnh vực, mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thực hiện xã hội hóa; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, điều kiện thực hiện xã hội hóa; quy định việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Yêu cầu các bộ, ngành đổi mới
Để thực hiện các mục tiêu và yêu cầu đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ phải rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK; Loại bỏ những bất cập, những quy định chưa phù hợp theo các mục tiêu, quan điểm nêu trên. Rà soát, xây dựng và ban hành đầy đủ Danh mục các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo hướng thu hẹp diện kiểm tra chuyên ngành; Xác định những mặt hàng trọng điểm cần kiểm tra tại cửa khẩu, cần kiểm tra trước khi thông quan; Những mặt hàng được kiểm tra chuyên ngành sau thông quan (trước khi đưa ra lưu thông).
Hàng năm rà soát các Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những mặt hàng có thay đổi, phát sinh trên thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước. Ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành phải đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động XK, NK, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Bằng cách áp dụng phương pháp quản lý rủi ro; Thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan có trọng tâm, trọng điểm; Ưu tiên và tạo thuận lợi đối với các mặt hàng Nhà nước khuyến khích XK, NK. Đồng thời, thực hiện công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa hoặc giảm thiểu việc kiểm tra chất lượng đối với hàng hóaNK từ những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao.
Trong việc đầu tư máy móc, phương tiện và nguồn nhân lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên trang bị tại các cửa khẩu quốc tế đường hàng không (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng); Cửa khẩu đường biển quốc tế khu vực Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Cửa khẩu đường bộ quốc tế, cửa khẩu chính tại các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, để thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóaNK có nguy cơ về dịch bệnh, truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an ninh xã hội và môi trường.
Về phía Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án. Nghiên cứu, sửa đổi quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, NK phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, đơn giản hóa các biện pháp quản lý hải quan, tạo thuận lợi, giảm chi phí và thời gian thông quan hàng hóa, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Hải quan đầu tư máy móc, phương tiện và nguồn nhân lực cho các chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện việc kiểm tra, giám sát hàng hóa XK, NK thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực cho Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa XK, NK thuộc Tổng cục Hải quan để đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, bao gồm cả việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với một số mặt hàng XK, NK trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do các bộ, ngành quy định và được các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên ngành ủy quyền.