Cải cách WTO, chủ đề trọng tâm tại Hội nghị cấp bộ trưởng của WTO

Theo TTXVN

Hội nghị này hướng tới định hình những cải cách bị trì hoãn lâu nay đối với hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã dẫn tới những căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự kiến diễn ra trong hai ngày 24-25/10 tại Ottawa, Canada, với sự tham gia của giới chức 13 nền kinh tế gồm Canada, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Brazil, Chile, Mexico, Kenya, Na Uy, Thụy Sỹ và Liên minh châu Âu (EU). 

Hội nghị này hướng tới định hình những cải cách bị trì hoãn lâu nay đối với hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã dẫn tới những căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Theo một báo cáo chung của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), WTO và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 30/9 vừa qua, việc chưa tiến hành sửa đổi các quy định thương mại của WTO trong hai thập niên qua, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, đã ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Các tổ chức trên cũng kêu gọi tăng cường hơn nữa các nỗ lực cải cách, đặc biệt trong WTO, để bảo vệ những lợi ích kinh tế của tự do thương mại và bảo đảm sự thịnh vượng được chia sẻ rộng lớn. 

WTO chính thức ra đời ngày 1/1/1995, từng được coi như một thành công đặc biệt trong dòng chảy thương mại và pháp lý cuối thế kỷ XX với một hệ thống đồ sộ các hiệp định, thoả thuận, danh mục nhượng bộ thuế quan điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ thương mại của 164 quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều nền kinh tế thành viên đang tự giải quyết bất đồng mà không thông qua WTO, điển hình như các biện pháp trừng phạt - trả đũa thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đã khiến WTO từ vị trí lãnh đạo, bị gạt ra khỏi cuộc chơi thương mại toàn cầu. 

Mỹ đang bị coi là nguyên nhân châm ngòi cho cơn khủng hoảng tại WTO. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thẳng thừng cảnh báo nếu WTO không “cải tiến”, ông sẽ đưa Mỹ rút khỏi tổ chức này. Mỹ đã ngăn cản việc bổ nhiệm thẩm phán mới cho Cơ quan phúc thẩm WTO, một sách lược khiến các vụ kiện nhằm giải quyết tranh chấp tại WTO có nguy cơ bị tạm dừng.

Đến cuối tháng 9/2018, số thẩm phán tại Cơ quan phúc thẩm của WTO đã giảm từ bảy xuống còn ba - mức tối thiểu để có thể mở phiên tòa xét xử. Đặc biệt, hai trong số ba thẩm phán này sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 12/2019.

Đáng chú ý, trong bộ ba thẩm phán này, một từ Mỹ, một từ Trung Quốc và một từ Ấn Độ, làm nảy sinh nguy cơ bộ ba thẩm phán rơi vào cuộc chiến xung đột lợi ích quốc gia, nhất là trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang trong vòng xoáy tranh chấp thương mại. 

Giới chuyên gia cho rằng với những động thái của mình, ông Donald Trump đang tiến tới một thế giới không có những quy định chung cũng như không có một cơ quan trọng tài độc lập, một thế giới nơi cường quốc kinh tế số một này có thể “thả phanh” áp dụng công cụ thuế quan như một vũ khí để đạt được các mục đích của mình. Và đây sẽ là thông tin xấu đối với phần của lại của thế giới. 

Trên thực tế, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất phàn nàn về tiến độ giải quyết tranh chấp chậm chạp của WTO, hay WTO tỏ ra bất lực trong việc trừng phạt các thành viên không thực thi phán quyết của tổ chức này.

Nhiều quốc gia cũng thất vọng khi WTO thất bại trong việc hiện đại hóa một thỏa thuận để giải quyết các vấn đề như thương mại kỹ thuật số hay các khoản trợ cấp. Những bất cập trong WTO ngày càng bộc lộ, trong khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương lan rộng cản trở tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom đã phải thừa nhận rằng hệ thống của WTO đang dần tới điểm ngừng trệ và đây là một cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất từ trước tới nay của WTO. 

Trong bối cảnh đó, cải cách được coi con đường tất yếu để cứu WTO. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo đầu tháng 10/2018 đã thừa nhận rằng cần thiết phải cải cách thể chế thương mại toàn cầu này.

Trước đó, bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, EU, Mỹ và Nhật Bản đã lần đầu tiên nhất trí ủng hộ một đề xuất nhằm cải cách WTO.

EU mới đây cũng công bố kế hoạch giải quyết một số “lỗ hổng” của WTO, trong đó có đề cập những quy định mới nhằm xử lý các khoản trợ cấp mà Trung Quốc dành cho lĩnh vực công nghiệp và các doanh nghiệp quốc doanh. 

Tại cuộc họp cấp bộ trưởng thương mại ở Ottawa lần này, Canada cùng 12 nền kinh tế vào cuộc “giải cứu” WTO, trong đó Canada kiến nghị tổ chức này cần tập trung cải tiến hệ thống giải quyết tranh chấp và cơ chế giám sát các hành vi thương mại. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO vận hành trục trặc là mối lo lớn đối với Canada.

Ottawa hiện đang phản đối việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Canada. Hai quốc gia Bắc Mỹ này cũng kiện nhau ra WTO do tranh chấp trong lĩnh vực gỗ xẻ mềm. Hơn nữa, bất cứ nhân tố nào làm suy yếu WTO cũng là một “tin buồn” đối với một quốc gia vốn phụ thuộc vào hoạt động thương mại như Canada.