Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế
Trong hơn 30 năm đổi mới, từ thế bị bao vây, cấm vận, kinh tế Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia. Bối cảnh mới của tình hình kinh tế, thương mại quốc tế đòi hỏi phải có các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khẳng định vị thế trong chuỗi sản xuất, thương mại toàn cầu.
Một số kết quả của hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; Thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và các nguồn lực quan trọng khác; Tạo thêm nhiều việc làm; nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Hội nhập kinh tế quốc tế đã đóng góp quan trọng vào việc mở rộng và đưa quan hệ của nước ta với các đối tác đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; Quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Về hội nhập khu vực, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN đã tiến rất gần đến mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan đối với các nước ASEAN-6 (5 nước sáng lập và Brunei), 99,2% số dòng thuế đã được xóa bỏ, trong khi 90,9% số dòng thuế của các nước gia nhập sau là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (gọi tắt là các nước CMLV) đã được xóa bỏ tính tới năm 2017. Dự kiến, tới hết năm 2018, tỉ lệ xóa bỏ thuế quan trong toàn ASEAN sẽ đạt 98,67%.
Ngoài tự do hóa thuế quan, các nước ASEAN cũng đang triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp như dự án thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cơ chế hải quan một cửa... Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về tiêu chuẩn trong các lĩnh vực điện-điện tử, cao su, thực phẩm chế biến sẵn, dược phẩm và thiết bị y tế… Việt Nam và các nước ASEAN đã thực thi Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về điện và điện tử, về kiểm tra thông lệ sản xuất thuốc tốt; Đã ký MRA về nghiên cứu tương đương sinh học, về hệ thống giám định và chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đã qua chế biến nhằm tạo nên một khu vực sản xuất thống nhất trong ASEAN.
Tính đến năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là 98%. Như vậy, trong số 10 FTA mà Việt Nam đang thực hiện, FTA với nội khối ASEAN (AFTA) có tỷ lệ xoá bỏ thuế quan cao nhất là 98% với lộ trình thực hiện là 19 năm (cá biệt, một số ít mặt hàng có lộ trình là 25 năm).
Về hội nhập quốc tế, tính đến nay, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ thương mại tự do với gần 60 nước (chiếm 59% dân số, 61% GDP và 68% thương mại thế giới) thông qua 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA);… hiện đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Ở cấp địa phương, từ 2016 tới nay, các địa phương chủ động triển khai hội nhập quốc tế, ký kết 420 thỏa thuận quốc tế trong tất cả các lĩnh vực, phát huy thế mạnh từng vùng miền, từng ngành hàng. Đây là những tiền đề quan trọng tạo thêm xung lực mới để đất nước bước vào giai đoạn tăng trưởng mới bền vững hơn, thực chất hơn.
Về thu hút vốn đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau hơn 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kề từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào cuối năm 1987, đến tháng 8-2018, ở 63 tỉnh, thành phố của cả nước đã thu hút 26.438 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 183,62 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Khoảng 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông… Cùng với việc bổ sung vốn cho nền kinh tế, các doanh nghiệp FDI còn góp phần chuyển giao công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý, góp phần thúc đẩy phát triển, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.
Thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế…, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực, các vùng, miền của nền kinh tế đất nước. Khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và từ 5-6 triệu lao động gián tiếp, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân.
Về đầu tư ra nước ngoài, tính chung tổng vốn đầu tư ra nước ngoài, bao gồm vốn cấp mới và tăng thêm trong nửa đầu năm 2018 đạt 263,1 triệu USD. Lũy kế, tính đến hết tháng 5-2018, Việt Nam đã có gần 1.200 dự án đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 22 tỷ USD.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài vượt ngưỡng 1 tỷ USD như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai... Một số doanh nghiệp Việt Nam có kết quả khả quan trong mảng đầu tư ra nước ngoài, trong đó, điểm sáng lớn nhất là Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel (đã đầu tư và kinh doanh tại 10 quốc gia ở 3 châu lục). Tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài lũy kế đến năm 2016 của Viettel là 6,5 tỷ USD, riêng năm 2016 đạt 1,4 tỷ USD. Viettel cũng là công ty Việt Nam duy nhất hiện nay có doanh thu từ thị trường nước ngoài trên 1 tỷ USD/năm.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ cũng là một kết quả nổi bật của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước mới có khoảng 2,5 tỷ USD thì đến năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt trên 410 tỷ USD.
Tính từ khi gia nhập WTO năm 2007 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta đã tăng hơn 4 lần. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017; kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 6 tháng năm 2018 ước tính đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, góp phần vào tăng trưởng GDP nước ta đạt mức cao và khá ổn định trong 30 năm qua. Hội nhập quốc tế cũng là xúc tác đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hội nhập kinh tế
Bên cạnh những thuận lợi, bối cảnh quốc tế và khu vực đang chuyển biến nhanh, phức tạp và rất khó lường, tạo nhiều thách thức đối với môi trường chiến lược của đất nước, tác động trực tiếp tới quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế thế giới đang hồi phục và bước vào chu kỳ phát triển mới. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 đạt 3,6% và có thể tiếp tục tăng trong năm 2018; thương mại toàn cầu tăng 4,6%, cao nhất từ năm 2011 đến nay.
Tuy nhiên, các rủi ro tài chính, chủ nghĩa bảo hộ và nguy cơ chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, khu vực tác động không thuận đến đà phát triển của kinh tế thế giới và Việt Nam. Sự điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là các nước lớn, việc xem xét lại vai trò của các cơ chế đa phương đang tác động khó dự đoán đối với nền kinh tế nước ta.
Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, khoa học công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Đây vừa là cơ hội để Việt Nam bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển vừa là thách thức và nếu không bắt kịp thì nguy cơ tụt hậu là hiện hữu.
Bối cảnh tình hình quốc tế đặt ra yêu cầu phải tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để hội nhập quốc tế đóng góp thiết thực, hiệu quả thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển đất nước bền vững và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.
Về phương hướng chung, cần tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình hành động của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng việc nâng cao toàn diện năng lực thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập.
Môt số nhóm giải pháp cụ thể:
Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế
Các bộ, ngành và cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế như tác động của việc tham gia các FTA thế hệ mới, xu hướng bảo hộ và nguy cơ chiến tranh thương mại tác động đến kinh tế nước ta, xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong các khuôn khổ khu vực và thế giới như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và tham mưu chính sách về hội nhập quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có tác động đến Việt Nam, các xu thế phát triển, các sáng kiến mới, chính sách và kinh nghiệm của các nước thực thi hiệu quả cam kết hội nhập.
Nghiên cứu, đánh giá tác động của việc xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cam kết trong ASEAN đối với các mặt hàng nhạy cảm của nước ta như ô tô, đường, xăng dầu…, dự báo tác động của việc thực thi cam kết trong Hiệp định CPTPP, FTA Việt Nam - EU để có các khuyến nghị chính sách phù hợp khi các hiệp định này được phê chuẩn và đi vào thực hiện;...
Tăng cường nghiên cứu, cảnh báo, phổ biến về các biện pháp kỹ thuật của các nước cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý có liên quan để chủ động đối phó với các rào cản kỹ thuật; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét xây dựng các biện pháp kỹ thuật của Việt Nam phù hợp với các cam kết về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới.
Tổ chức thực thi hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế
Phát huy vai trò của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế trong việc phối hợp liên ngành, tăng cường hơn nữa việc kết nối, điều phối, điều hành tập trung, thống nhất giữa hoạch định chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế với triển khai đàm phán và thực thi các cam kết hội nhập. Đôn đốc và giám sát các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực thi hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực. Tiến hành rà soát, hoàn thiện cơ chế điều phối thực thi cam kết FTA đối với các lĩnh vực cụ thể theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn; bảo đảm lợi ích quốc gia và việc thực thi nghiêm túc các FTA; đánh giá kịp thời các vấn đề phát sinh và kiến nghị giải pháp tháo gỡ. Xây dựng và thực thi nghiêm túc các cam kết trong hội nhập tài chính về thuế, hải quan, dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán, kế toán - kiểm toán và các dịch vụ khác; triển khai Hiệp định thuận lợi hóa thương mại của WTO, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam
Tăng cường phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan xử lý những vấn đề còn tồn tại để sớm tiến tới ký và phê chuẩn FTA Việt Nam - EU; phối hợp, thúc đẩy việc hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định đã ký kết khác nhằm sớm đưa các hiệp định đi vào thực thi mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Xây dựng phương án hợp lý để hoàn thiện việc đàm phán và ký kết các FTA đang triển khai, chủ động nghiên cứu, đánh giá khả năng tham gia các FTA với các đối tác mới nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp
Trong hội nhập, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngày càng phát triển. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với hiệu quả của hội nhập. Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai các biện pháp đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và thực hiện các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong hội nhập kinh tế quốc tế và trong quá trình đàm phán, thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA); Chủ động đề xuất các định hướng, biện pháp cụ thể để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Tận dụng các cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại một cách hiệu quả, phù hợp với các quy định, luật lệ, chuẩn mực quốc tế và các thể chế đa phương để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo để hỗ trợ cho quá trình đổi mới công nghệ quốc gia.