Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu.
Cụ thể, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6/2018 vừa được Chính phủ ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình ban hành các văn bản về cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trước ngày 15/8/2018.
Đồng thời, kiên quyết không làm phát sinh những điều kiện kinh doanh mới trong thể chế chính sách, pháp luật mới ban hành. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, giảm tối đa chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Thời gian qua, những cải cách của Chính phủ và các bộ, ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Số doanh nghiệp và lượng vốn đăng ký hoạt động của doanh nghiệp tăng nhanh, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hay giải thể cũng giảm mạnh.
Đặc biệt, hàng loạt giấy phép con đã được bãi bỏ, các thủ tục hành chính về thuế và hải quan đã được giảm. 99% doanh nghiệp nộp thuế, khai thuế điện tử.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh những điểm sáng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thì vẫn còn hàng loạt khó khăn đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay, nhiều bộ, ngành có cam kết cắt giảm các thủ tục hành chính, các điều kiện đầu tư kinh doanh nhưng mới chỉ bằng lời nói, thực tế hành động lại chưa nhiều. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tăng cường kiểm tra đánh giá, giám sát đôn đốc các bộ ngành triển khai cắt giảm thủ tục hành chính một cách hiệu quả như doanh nghiệp mong muốn và kỳ vọng. Từ đó, mới tạo niềm tin cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.