Cải cách hệ thống pháp luật giúp doanh nghiệp phát triển

Theo Hà An/thoibaonganhang.vn

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó chú trọng cải cách mạnh hệ thống pháp luật về doanh nghiệp theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 - Ảnh: H. Anh luật giúp doanh nghiệp phát triển.
Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 - Ảnh: H. Anh luật giúp doanh nghiệp phát triển.

Tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 diễn ra tại Hà Nội ngày 19/6, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo nghiên cứu GEM. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực để doanh nghiệp Việt Nam có bước đột phá trong công cuộc cách mạng 4.0.

Các diễn giả là các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà làm chính sách, chuyên gia khoa học công nghệ, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ, thảo luận về tình hình kinh tế và phát triển kinh doanh trên thế giới và Việt Nam, tổ chức sản xuất và cơ cấu ngành kinh tế theo hướng tăng dần các sản phẩm mang hàm lượng giá trị gia tăng cao, động viên các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế kinh doanh.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bức tranh doanh nghiệp sau 3 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh đã có những bước cải thiện như thủ tục gia nhập thị trường đơn giản và thuận lợi hơn, thông tin đăng kí doanh nghiệp được minh bạch hóa.

Bên cạnh đó, những hạn chế về quy định pháp lý về thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện, việc hậu kiểm vẫn còn bất cập.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại vẫn còn nhiều thách thức, trong đó vấn đề về thời gian, rủi ro pháp lý, chính sách cạnh tranh yếu kém …là những tồn tại cần phải xử lý. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì liên tục từ các cấp điều hành, Chính phủ đến chính quyền các địa phương, bộ, ngành một cách đồng bộ...

Đặc biệt, theo ông Hiếu, cơ quan quản lý cần xác định rõ tầm quan trọng, tinh chất quyết định của việc lựa chọn biện pháp phù hợp và việc tổ chức để hiện thực hóa mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Việc đặt mục tiêu  một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 cũng như việc chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho  rằng,  môi trường kinh doanh 2018 đã có những thành tựu lớn. Đó là số lượng doanh nghiệp thành lập cao kỷ lục, hàng loạt chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp được ban hành.

Cũng theo ông Tuấn, tâm lý và các ứng xử theo hướng yêu cầu gia tăng sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân vào ngân sách vẫn tồn tại; đồng thời, còn có xu hướng tăng lên tại các cơ quan quản lý. Thuế luôn là gánh nặng, sức ép tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp tư nhân…

Do đó, các chuyên gia tại Diễn đàn cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó chú trọng cải cách mạnh hệ thống pháp luật về doanh nghiệp theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.