Cải tiến năng suất nhờ hạn chế sản xuất dư thừa
Sản xuất dư thừa là một trong những lãng phí được đánh giá là nghiêm trọng và tồi tệ nhất trong các dạng lãng phí vì sản xuất dư thừa tiềm ẩn hoặc tạo ra các lãng phí khác.
Cụ thể, nếu sản xuất quá nhiều, doanh nghiệp sẽ lưu kho nhiều, khó thay đổi dòng sản phẩm theo thị hiếu và tiến bộ khoa học - công nghệ, từ đó gia tăng rủi ro sự lỗi thời hàng hóa.
Đây sẽ là những hàng hóa, sản phẩm không theo kịp yêu cầu, đòi hỏi của thị trường và tiến bộ công nghệ, bị tụt hậu so với những sản phẩm ở thời điểm hiện tại. Việc loại bỏ những hàng hóa, sản phẩm này sẽ dẫn đến nguy cơ về sự giảm sút doanh thu và thị phần của doanh nghiệp trên thị trường.
Sản xuất dư thừa cũng góp phần làm doanh nghiệp phải đối mặt với tình hình sản phẩm, hàng hóa hết hạn. Nếu hết hạn sử dụng thì doanh nghiệp phải hủy các loại hàng hóa này, như vậy đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tốn chi phí cho khoản tiền mua nguyên liệu, đầu vào ban đầu. Cạnh đó, doanh nghiệp phải mất thêm khoản chi phí để xử lý và thải bỏ các hàng hóa hết hạn này.
Sản xuất dư thừa góp phần tăng thêm số lượng tồn kho so với nhu cầu thực, dẫn đến lượng tồn kho vượt quá khả năng lưu trữ, chiếm dụng diện tích. Từ đó phát sinh thêm chi phí cho các hoạt động lưu trữ và bảo quản hàng hóa.
Đồng thời, dẫn đến việc gia tăng nhiều chi phí cho doanh nghiệp như: chi phí lưu kho, chi phí năng lượng, chi phí bảo quản, chi phí nhân lực, chi phí hành chính, chi phí thiết bị, chi phí tài chính...
Các chuyên gia năng suất, chất lượng đánh giá, việc hạn chế sản xuất dư thừa cũng là cách hiệu quả giúp doanh nghiệp cải tiến năng suất, chất lượng.
Để giảm thiểu hoặc không xảy ra sản xuất dư thừa, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp sau đây: Có biện pháp theo dõi và cân đối nhu cầu phù hợp, sử dụng kỹ thuật dự báo nhu cầu sản xuất cả về thông tin đầu vào và đầu ra sản phẩm. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện quy trình sản xuất một cách chính xác, đúng thời điểm và hiệu quả.
Cải thiện và đẩy mạnh thông tin nội bộ thông qua việc cải thiện cộng tác giữa các bộ phận với nhau. Lúc đó, dữ liệu trên sẽ được thông tin một cách nhanh chóng và chính xác.
Ngoài ra, thông qua các buổi thảo luận, doanh nghiệp có thể dự đoán nhu cầu sản xuất cho từng dòng sản phẩm và nhu cầu về nguyên vật liệu để có định hướng phù hợp. Việc thông tin này phải được thể hiện bằng những đơn vị phù hợp với từng đối tượng.
Hợp lý hóa kế hoạch sản xuất: Cần có những biện pháp hợp lý hóa sản xuất, lập kế hoạch và điều chuyền hợp lý, bố trí và điều phối lao động hợp lý.
Doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý đảm bảo đáp ứng yêu cầu khách hàng mà không gây lãng phí; sắp xếp nơi làm việc hợp lý đảm bảo nguyên tắc.
Theo các chuyên gia, cái gì cần cho sản xuất thì mới được để nơi sản xuất, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu sắp xếp sao cho an toàn, đảm bảo tính sẵn có, thuận tiện cho sản xuất; cần có biện pháp quản lý quá trình phù hợp với đặc điểm để đạt hiệu quả cao trong quản lý...
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có biện pháp kiểm tra hàng tồn kho xem có ở mức phù hợp hay không...