Sức ỳ lớn khiến doanh nghiệp ngại áp dụng công cụ cải tiến năng suất
Vai trò, ý nghĩa quan trọng của việc cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp chưa thực sự “xắn tay” triển khai xuất phát từ sức ỳ lớn.
Thực tế cho thấy, một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp đã và đang thực hiện nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh là áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất, chất lượng như 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC...
Mỗi công cụ đều đem đến cho doanh nghiệp những lợi ích riêng. Có thể kể đến như áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean), Kaizen, 5S giúp các doanh nghiệp loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng tinh gọn; giúp doanh nghiệp cải tiến, ngăn ngừa sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, từ đó nâng cao năng suất.
Công cụ Six Sigma giúp giảm sai lỗi, giảm chi phí, tăng sự hài lòng của khách hàng và bảo đảm giao hàng đúng hẹn, đồng thời là cơ sở quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hay công cụ Bảo trì năng suất tổng thể (TPM) giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày...
Các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Dù vậy vẫn tồn tại không ít doanh nghiệp dù đã áp dụng mà chưa gặt hái thành công, thậm chí có những trường hợp doanh nghiệp chưa thực sự dành sự quan tâm đúng mức, còn thờ ơ với việc áp dụng hệ thống quản lý và công cụ này.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Một trong những yếu tố mấu chốt là lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự muốn thay đổi, sức ỳ tâm lý quá lớn dẫn đến việc thay đổi bằng lời nói nhưng hành động vẫn theo guồng cũ.
Ngoài ra, có đến hàng chục hệ thống quản lý, công cụ cải tiến khác nhau, doanh nghiệp thường cảm thấy bối rối, không biết bắt đầu từ đâu, không biết lựa chọn cái gì. Bởi vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp phải chọn đúng phương pháp và có lộ trình cụ thể.
Ở khía cạnh khác, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ) trong vị thế là doanh nghiệp gia công cho đơn hàng nước ngoài nên không ít doanh nghiệp sẽ không có động lực áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nếu đối tác nước ngoài không yêu cầu.
Bài toán “thoát cảnh gia công, lắp ráp” đã được đặt ra từ lâu, nhưng lựa chọn sự thay đổi, hướng phát triển cốt yếu vẫn là do bản thân từng doanh nghiệp thích nghi và sáng tạo.