Cải tiến năng suất phải trở thành nhu cầu tự thân của mọi nhân viên
Để thành công trong cải tiến năng suất, chất lượng, doanh nghiệp không thể thực hiện theo kiểu phong trào. Đây phải trở thành nhu cầu tự thân của tất cả công nhân viên, từ người lao động đến lãnh đạo doanh nghiệp.
Áp dụng thành công công cụ cải tiến năng suất sẽ tác động đến mọi thành phần kinh tế trong xã hội như: Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận; người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt với chi phí hợp lý; người lao động gia tăng thu nhập; đất nước tăng nguồn thu từ thuế...
Các công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, 6 Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Doanh nghiệp nào cũng muốn cải tiến hoạt động, tăng năng suất lao động, nhưng số lượng doanh nghiệp áp dụng đến nay vẫn còn khiêm tốn.
Nguyên nhân là do nhận thức, doanh nghiệp chưa nhận thức và chưa có kiến thức đầy đủ về phương pháp cải tiến nên chưa đủ niềm tin để đầu tư hành động. Nguyên nhân này còn tác động tới tâm lý, tạo thành sức ỳ không chịu đổi mới của lãnh đạo và đội ngũ nhân viên doanh nghiệp.
Một nguyên nhân rất quan trọng là doanh nghiệp vẫn không xác định được phương pháp để cải tiến doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp lúng túng không biết cách làm.
Mỗi doanh nghiệp lại có phương thức hoạt động khác nhau, kinh doanh sản xuất các lĩnh vực khác nhau nên cần có phương thức cải tiến đặc thù khác nhau.
Kinh nghiệm cải tiến năng suất, chất lượng thành công từ nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản thành công trong công cuộc cải tiến là nhờ 3 nguyên tắc: giảm chi phí, sự hợp tác giữa lãnh đạo và nhân viên, đảm bảo đồng đều về lợi ích giữa lãnh đạo và nhân viên.
Đại diện một số doanh nghiệp đã tiến hành cải tiến năng suất, chất lượng thành công thời gian qua chia sẻ, cơ bản mọi doanh nghiệp đều mong muốn phát triển bền vững, chất lượng sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh, kiểu dáng phù hợp thị hiếu…
Để đạt được doanh nghiệp phải cải tiến năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, việc cải tiến này không thể thực hiện theo kiểu phong trào, mà phải trở thành nhu cầu tự thân của tất cả công nhân viên, từ người lao động đến lãnh đạo doanh nghiệp.
Cùng với việc đầu tư đổi mới trang thiết bị tự động hóa, các doanh nghiệp nên tổ chức cho tất cả công nhân viên học tập, lập thành những tổ đội cải tiến sản xuất, khuyến khích động viên tất cả cùng tham gia, tạo ra quỹ thưởng cho những công nhân viên có sáng kiến, thực hiện tốt các công cụ cải tiến.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể xem xét giao chỉ tiêu chất lượng, giá thành sản xuất cho từng công nhân viên, nếu không đạt được sẽ “đánh” vào tiền lương của từng người. Sau một thời gian thực hiện, tin rằng việc nâng cao năng suất lao động đã trở thành thường xuyên ở tất cả các khâu...