Nâng năng suất, tăng chất lượng để xuất khẩu da giày bứt tốc

Ánh Dương

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý, áp dụng linh hoạt giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm... là một số giải pháp quan trọng giúp ngành da giày tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu, bứt tốc trong thời gian tới.

 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày và túi xách của Việt Nam ước đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ năm ngoái.
 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày và túi xách của Việt Nam ước đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tăng 5,7%

Theo số liệu của mới nhất của Hiệp hội Da - Giày và Túi xách Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày và túi xách của Việt Nam ước đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trong đó, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, sau đó tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, đây cũng là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, năm 2024, xuất khẩu da giày của Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng giày dép, túi xách khác.

15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết với lộ trình giảm thuế ngắn tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp da giày trong nước phát triển thị trường. Cạnh đó, chất lượng nguồn lao động tốt với kỹ năng hơn 30 năm sản xuất giày dép cùng uy tín thương hiệu giày dép "made in Việt Nam" ngày càng được khẳng định.

Trong năm 2024, bên cạnh thị trường có các FTA, ngành da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường; đồng thời chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU do sức mua và dung lượng thị trường lớn.

Với phân khúc sản phẩm, Việt Nam được đánh giá có thể sản xuất được những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và sản phẩm có độ khó cao.

Sắp tới, ngành giày dép không định hướng sản xuất sản phẩm có giá trị thấp bởi lợi nhuận thấp, lãng phí nguồn lực mà sẽ tiếp tục tập trung vào phân khúc sản phẩm trung và cao cấp.

Xuất khẩu cả năm khoảng 27 tỷ USD

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày dự báo đạt khoảng 25,5 - 27 tỷ USD, đóng góp rất lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu và GDP cả nước.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày dự báo đạt khoảng 25,5 - 27 tỷ USD
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày dự báo đạt khoảng 25,5 - 27 tỷ USD

Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tương đối dồi dào đơn hàng. Để đáp ứng kịp cho các đơn hàng xuất khẩu, thậm chí tại các nhà máy, công nhân đang được huy động tăng ca. Nhiều doanh nghiệp còn tập trung mở rộng các thị trường nhỏ, tìm kiếm các thị trường mới.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp đang liên tục tuyển dụng công nhân trở lại để đẩy nhanh tiến độ sản xuất sau giai đoạn phải cắt giảm.

Trong quá trình đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, theo bà Xuân, doanh nghiệp không thể đơn lẻ mà cần phải cùng tham gia vào hoạt động mạng lưới tốt hơn để nắm bắt thông tin, có kế hoạch chuẩn bị sâu hơn, tốt hơn, học hỏi và rút kinh nghiệm mới có thể thành công đáp ứng các quy định và tham gia chuỗi cung ứng.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn tới ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý để dòng chảy dữ liệu trong nhà máy liên tục giúp người lãnh đạo cập nhật thông tin, ra quyết định kịp thời.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, các mô hình và công cụ cải tiến hiện đại như 5S, Lean, 6Sigma, Kaizen… vào sản xuất da giày nhằm nâng cao hơn nữa năng suất lao động, gia tăng tính cạnh tranh.

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp phải thay đổi về tầm nhìn, phương thức quản lý và quá trình đầu tư. Việc đầu tư này đòi hỏi nhiều vốn nhưng cần thiết vì giúp thay thế được một phần lao động, nâng cao chất lượng và kiểm soát tốt độ đồng đều của sản phẩm…

Các cơ sở sản xuất giày dép ở thành thị cần định hướng trở thành các trung tâm nghiên cứu sản phẩm, phát triển khoa học - công nghệ; gắn kết với các viện, các trường để nghiên cứu sát với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học - công nghệ. Những thay đổi trụ cột này cơ bản sẽ cải thiện gốc rễ khó khăn của doanh nghiệp...