Tăng tốc nâng cao năng suất sản xuất công nghiệp
Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có cơ hội tăng năng suất 15 - 30% thông qua cải tiến quy trình, tổ chức lại sản xuất, giảm lãng phí, sai lỗi, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị…
Nhiều tín hiệu tín cực
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), quý II/2024, ngành Công nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn so với quý I/2024.
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II/2024 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,9% của quý I/2024; trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%.
Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp cấp II tăng trưởng tốt hơn quý I/2024 như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 31,1% (quý I tăng 26,75); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 20,5% (quý I tăng 19,1; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 19,8% (quý I tăng 6,3%); sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,1% (quý I tăng 4,8%); sản xuất đồ uống tăng 4,6% (quý I tăng 2,3%); sản xuất trang phục tăng 6,8% (quý I tăng 4,4%).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,2%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 20,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 12%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 của một số địa phương tăng cao điển hình phải kể đến là: Lai Châu tăng 76,1%; Phú Thọ tăng 35,1%; Bắc Giang tăng 26,8%; Bình Phước tăng 17,0%; Hà Nam tăng 15,8%; Hải Phòng tăng 15,6%.
Tăng cường áp dụng công cụ cải tiến năng suất
Dự báo nửa cuối năm, sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có nhiều điều kiện thuận lợi, hứa hẹn kết quả tích cực.
Để ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi và là động lực tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn.
Chính phủ, các cấp, các ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân nhanh các gói cứu trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả; cần có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu…
Về lao động, chính sách hỗ trợ cho người lao động cần rõ ràng, giảm bớt thủ tục, hướng dẫn cụ thể, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, hỗ trợ các nguồn tín dụng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động đối với doanh nghiệp gặp khó khăn;
Giải pháp tiếp theo là đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nhanh đầu tư công, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành xây dựng, công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập của người lao động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc tăng cường phổ biến, hỗ trợ để các doanh nghiệp công nghiệp chủ động, tích cực áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, từ đó tăng sức cạnh tranh cũng là giải pháp quan trọng được nhiều chuyên gia đề cập tới.
Các công cụ, hệ thống có tính nền tảng đối với hoạt động quản trị của doanh nghiệp điển hình mà các doanh nghiệp nên đẩy mạnh áp dụng có thể kể tới như: hệ thống ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 50001; công cụ cải tiến 5S, Kaizen...
Theo đánh giá của các chuyên gia năng suất, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có cơ hội tăng năng suất 15 - 30% thông qua cải tiến quy trình, tổ chức lại sản xuất, giảm lãng phí, sai lỗi, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị…
Hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và quản lý chất lượng sản phẩm là hoạt động tự thân và yêu cầu nội tại của mỗi doanh nghiệp; việc triển khai hoạt động này sẽ dựa chủ yếu vào nguồn lực của doanh nghiệp.
Do đó, việc nâng cao năng suất và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các doanh nghiệp về mặt giải pháp sẽ tiếp cận toàn diện từ việc định hình lại chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới.
Thiết lập, tối ưu, hiện đại hóa hệ thống quản trị tới nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ sản xuất, đào tạo, nâng cao trình độ người lao động cũng như cán bộ quản lý; gắn kết và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh cho các doanh nghiệp, tạo bước nhảy vọt cho vấn đề năng suất và chất lượng...