Cách nào nâng cao năng suất ngành Điện tử Việt Nam?

Hạ Băng

Để tăng năng suất ngành Điện tử, bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải thiết lập hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực quản lý, đặc biệt là quản lý hoạt động sản xuất bằng công nghệ hiện đại.

Điện tử được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu. Ảnh: Internet
Điện tử được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu. Ảnh: Internet

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 32,81 tỷ USD, mặc dù chỉ tăng 5,7% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng tới 15,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,0% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,3%).

Trong các nhóm ngành xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 132,42 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 61,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,4%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,6%...

Thời gian qua, Điện tử được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu.

Tuy nhiên thực tế, ngành Điện tử nước ta vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu và đặc biệt là phải tăng năng suất ngành Điện tử.

Để tăng năng suất ngành Điện tử, các chuyên gia cho rằng, bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải thiết lập hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực quản lý, đặc biệt là quản lý hoạt động sản xuất bằng công nghệ hiện đại mới có thể đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn.

Công tác quản lý doanh nghiệp và hoạt động sản xuất trong nhà máy có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất của doanh nghiệp. Việc này không chỉ là quản lý yếu tố về con người mà còn quản lý toàn bộ những yếu tố đầu vào và đặc biệt là hoạt động tại nhà máy sản xuất để cho một kết quả ở đầu ra được hiệu quả nhất.

Theo đó, xu hướng của các doanh nghiệp sản xuất hiện nay là ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất tự động tại nhà máy như hệ thống ERP để giúp tăng năng lực sản xuất, tối ưu hóa tồn kho, nâng cao lợi nhuận; đặc biệt phần mềm tích hợp đầy đủ các ứng dụng khác giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định chính xác và kịp thời.

Ngoài ra, còn có một số giải pháp giúp tăng năng suất như: nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất; áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; xác định mô hình sản xuất phù hợp; đồng bộ 3 khẩu sản xuất là thiết kế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu; nâng cao trình độ nguồn nhân lực.