Cấm BUSD, Binance chuyển hướng sang TUSD


Sau khi chấp thuận yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) về việc ngừng tạo stablecoin BUSD, sàn giao dịch tiền điện tử Binance đã chuyển sang một loại stablecoin mới mang tên TUSD.

Lệnh cấm của cơ quan quản lý đã buộc Binance phải tìm kiếm các phương pháp thay thế để đáp ứng nhu cầu về stablecoin của mình.
Lệnh cấm của cơ quan quản lý đã buộc Binance phải tìm kiếm các phương pháp thay thế để đáp ứng nhu cầu về stablecoin của mình.

Trước đó, SEC đưa ra thông báo về việc Sở Dịch vụ Tài chính New York (NYDFS) yêu cầu công ty phát hành BUSD Paxos Trust ngừng hoàn toàn việc tạo mới đồng BUSD.

Giáo sư ngành tài chính Carol Alexander của Đại học Sussex nói rằng, nếu SEC hành động nhằm vào BUSD, thì đó là một động thái nhằm vào Binance hơn là stablecoin nói chung. “Binance đang gây ra mối lo ngày càng lớn đối với cơ quan chức năng trên khắp thế giới, trong những lĩnh vực từ rửa tiền tới vi phạm luật chứng khoán. Đó có thể là một lý do khiến SEC đưa BUSD vào tầm ngắm”.

Lệnh cấm này buộc Binance phải tìm kiếm các phương pháp thay thế để đáp ứng nhu cầu về stablecoin của mình. Cụ thể, sàn giao dịch đang tìm cách tích hợp đồng TrueUSD (TUSD), cùng với việc bổ sung hỗ trợ cho một số stablecoin phi tập trung.

Theo thông tin quốc tế đã đưa, TrustToken - nhà điều hành stablecoin đứng sau TUSD là đối tác của Binance kể từ tháng 6/2019. Sự hợp tác này cho phép Binance mua TUSD mà không mất phí và đổi lấy tiền tệ fiat. Từ ngày 16/2 đến ngày 24/2, Binance đã tạo ra 180 triệu TUSD mới.

Giám đốc điều hành Binance - Changpeng Zhao cho biết, sàn giao dịch tiền điện tử sẽ xem xét các lựa chọn khác để đa dạng hóa stablecoin của mình khỏi BUSD sau các hành động pháp lý nêu trên.

Các stablecoin phi tập trung dường như đang trở nên phổ biến với sự ra đời của stablecoin như TerraUSD. Khi đó, các chuyên gia thị trường tin rằng stablecoin phi tập trung sẽ là điều quan trọng tiếp theo trong hệ sinh thái tiền điện tử. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của hệ sinh thái Terra vào tháng 5/2022, kỳ vọng về một loại stablecoin “non trẻ” đã thay đổi nhanh chóng.

Trong bối cảnh thị trường nhiều hỗn loạn, Chủ tịch Ủy ban Ổn định tài chính (FSB) đã cảnh báo, stablecoin sẽ không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định sắp đưa ra, bao gồm cả USDC và USDT được ghép nối trực tiếp với các loại tiền tệ chính như đồng USD.

Trong năm nay, FSB sẽ hoàn thiện các khuyến nghị của mình đối với quy định, giám sát tài sản tiền điện tử và thị trường, cũng như các khuyến nghị nhắm vào những thỏa thuận stablecoin toàn cầu
Trong năm nay, FSB sẽ hoàn thiện các khuyến nghị của mình đối với quy định, giám sát tài sản tiền điện tử và thị trường, cũng như các khuyến nghị nhắm vào những thỏa thuận stablecoin toàn cầu

Trả lời trên Yahoo Finance UK, Trưởng bộ phận Fintech tại Ngân hàng Anh - Varun Paul nhận định, các ngân hàng thương mại sẽ sớm bắt đầu phát hành đồng bảng Anh và đồng USD ổn định được hỗ trợ bởi chính họ. Cùng với các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), những đổi mới này trong không gian Blockchain có thể sắp được sử dụng rộng rãi...

Tuy nhiên mới đây, Chủ tịch FSB cũng đưa ra một tuyên bố khá rõ ràng cho các quan chức tài chính toàn cầu rằng, các stablecoin hiện có “không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế”. FSB - một ban cố vấn trực thuộc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) sẽ đưa ra các khuyến nghị cuối cùng về quy định và giám sát tài sản tiền điện tử toàn cầu vào tháng 7/2023.

“Trong năm nay, FSB sẽ hoàn thiện các khuyến nghị của mình đối với quy định, giám sát tài sản tiền điện tử và thị trường, cũng như các khuyến nghị nhắm vào những thỏa thuận stablecoin toàn cầu, có các đặc điểm gây ra các mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính trở nên nghiêm trọng hơn", Chủ tịch FSB, Klaas Knot nói.

Tin tức này được đưa ra sau khi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) công bố một báo cáo cho thấy, phần lớn người dùng ứng dụng tiền điện tử đã thua lỗ đối với việc nắm giữ Bitcoin trong suốt 7 năm qua. Sự tác động điển hình gần đây nhất là bởi sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX vào cuối năm 2022 khiến 2.000 tỷ USD giá trị thị trường tiền điện tử bị bốc hơi.

Ngoài ra, BIS cũng phân tích về việc liệu các nhà đầu tư tiền điện tử đã kiếm được hay mất tiền trong khoảng thời gian từ tháng 8/2015 đến tháng 12/2022. Trong khoảng thời gian này, giá Bitcoin (BTC-USD ) tăng từ 250 USD lên 69.000 USD/BTC và giảm xuống mức thấp nhất là 16.000 USD/BTC sau cuộc khủng hoảng mà FTX gây ra.

Báo cáo của BIS còn đặt ra câu hỏi, liệu sự hỗn loạn của tiền điện tử năm 2022 có gây ra bất kỳ rủi ro hệ thống nào đối với các thị trường tài chính truyền thống rộng lớn hơn hay không, khi các cú sốc liên tục có tác động đáng kể đến giá cổ phiếu và các điều kiện tài chính rộng hơn.

“Bất chấp sự biến động giá của tiền điện tử và thiếu các trường hợp sử dụng trong thế giới thực, dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư bán lẻ vẫn tăng lên. Số lượng người dùng hoạt động hàng ngày trung bình mỗi tháng đã tăng từ khoảng 100.000 lên hơn 30 triệu người trên toàn cầu. Riêng thời kỳ tăng giá nhanh chóng vào đầu năm 2021, khoảng 100 - 500 triệu người dùng mới đã tham gia.

Hoạt động thị trường cũng gia tăng đáng kể từ khi sàn giao dịch tiền điện tử FTX bùng nổ, tạo ra sự “bơm thổi” trên thị trường khi các nhà đầu tư lớn bán ra còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ đua nhau mua vào”, BIS báo cáo.

Có thể thấy, số lượng người tham gia vào thị trường tiền điện tử đã tăng lên khi giá Bitcoin tăng, họ đều bị thu hút bởi giá cao và kỳ vọng rằng tiền điện tử sẽ tiếp tục phi mã. Đây là vấn đề đặt ra với tất cả các cơ quan quản lý toàn cầu, thúc giục họ cần gấp rút hơn nữa ban hành những quy định cụ thể cho ngành.

Theo Diễm Ngọc/Diendandoanhnghiep.vn