Cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê?

Theo Phan Thảo/sggp.org.vn

Vấn đề cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê được các ĐBQH tranh luận thẳng thắn. Có ý kiến cho rằng, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê cho thấy quan điểm việc gì không quản được thì cấm.

Cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê?
Cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê?

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Vấn đề cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê được các ĐB tranh luận thẳng thắn.

Một số ý kiến tán thành Chính phủ đề nghị chuyển ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sang ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh là phù hợp, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM).
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM).

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đồng ý việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì dịch vụ này biến tướng và hại nhiều hơn lợi.

Tuy nhiên, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) lại cho rằng, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê cho thấy quan điểm việc gì không quản được thì cấm, trong khi dịch vụ này là nhu cầu của các công ty trong nền kinh tế thị trường và phân công lao động.

ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì đây là một hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu cuộc sống của khách hàng.

ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh).
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh).

“Thực tế cho thấy, nhiều người cho vay không đòi được nợ đã dẫn đến truy sát cả gia đình, người thân, bạn bè, hàng xóm. Nếu cấm thì có ngăn chặn được hiện tượng đòi nợ thuê xảy ra khi hàng loạt các công ty tài chính mọc lên với chức năng là cho vay nặng lãi và sau đó là đòi nợ diễn ra tương đối phổ biến hiện nay. Vấn đề là các cơ quan chức năng phải vào cuộc và có chế tài quản lý chặt chẽ, truy tố hình sự đối với những người đòi nợ thuê có hành vi bạo lực côn đồ, chứ không phải là quản lý không được rồi ngăn chặn và cấm”, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ nói.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đồng ý với nhiều ý kiến nên tăng cường quản lý dịch vụ đòi nợ thuê thay vì cấm.

Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, đòi nợ thuê gồm cả đòi nợ văn minh và không văn minh. Đòi nợ văn minh là khi người làm dịch vụ có khả năng điều tra, tìm kiếm thông tin, biết được con nợ có tiền ở đâu, khi nào có để đòi đúng lúc, đúng chỗ. Đòi nợ không văn minh thì báo chí đã phản ánh nhiều gây ra hệ lụy không nhỏ.

“Thực tế thời gian qua, việc đòi nợ thuê được quản lý bởi Nghị định 104 năm 2007, nghị định còn nhiều lỗ hổng không phù hợp, cho nên đã xảy ra nhiều tình trạng như thời gian vừa qua. Vì vậy, nếu cho phép kinh doanh loại hình này thì cần có quy định cụ thể khai báo nhân sự, chứng chỉ hành nghề, lưu trữ giấy tờ để phục vụ thanh, kiểm tra. Phải xưng danh hành nghề gồm tên người, công ty thu nợ, tên chủ nợ giới hạn thời gian gọi, liên lạc và nên cấm liên lạc với gia đình, bạn bè, hàng xóm, chủ sử dụng lao động và cấm các biện pháp xúc phạm, đe dọa, hủy hoại tài sản. Khi đòi được tiền thì phải có giấy tờ xác nhận, công bố số liên lạc của chính quyền dành cho người dân để tố cáo hành vi đòi nợ, vượt qua biện pháp được phép”, ĐB Hà Sỹ Đồng phân tích.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê, bởi có cấm cũng không cấm được, nếu đã bất hợp pháp thì có cấm cũng vô nghĩa. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ đã đăng ký thì giờ chuyển sang cấm họ sẽ không được phép làm. Các doanh nghiệp đã đăng ký thì họ dùng biện pháp thu hồi nợ văn minh, đúng pháp luật. Đối với các băng, nhóm thu hồi nợ không đăng ký thì họ vẫn sẽ kinh doanh, các băng, nhóm này thường dùng biện pháp thu hồi nợ bằng đe dọa bạo lực.

“Khi các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp bị cấm thì các băng nhóm này sẽ dễ dàng mở rộng thị trường. Chưa thấy có nước nào cấm dịch vụ đòi nợ thuê. Tóm lại, nếu cấm kinh doanh đòi nợ thuê thì sẽ làm gia tăng tình trạng chây ì, không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, sẽ làm gia tăng tình trạng đòi nợ bằng bạo lực, đe dọa và các hoạt động bất hợp pháp sẽ có trên thị trường. Nên giao cho Bộ Công an, Bộ Tư pháp học kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng quy định và thực thi thật nghiêm về quy định này”, ĐB Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Giải trình lại ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn nhiều ý kiến khác nhau. Một nhóm ý kiến đồng ý với tờ trình của Chính phủ nên cấm hoạt động kinh doanh này, vì trên thực tế không có lợi và không diễn ra đúng như chúng ta mong muốn. Quan điểm thứ hai là không nên cấm mà nên tăng cường biện pháp quản lý nhà nước đối với các loại hình này. Đây là một vấn đề rất phức tạp, vì trên thực tế các cơ quan hệ dân sự này thường là vay nóng, tín dụng đen áp dụng hình thức dịch vụ này để thu hồi các khoản có lãi suất rất cao, không đưa ra được các cơ quan tố tụng, cơ quan xử lý của tư pháp, lại không có thế chấp. Các khoản vay nợ chính đáng khác, nhu cầu của người vay và người cho vay khác đều phải có thế chấp. Người ta sẽ sử dụng các cơ quan tư pháp để xử lý vấn đề này.

“Chúng ta mong muốn xử lý như thế, nhưng trên thực tế nó diễn ra không phải như vậy, dẫn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội rất phức tạp. Đây là đề nghị rất quyết liệt của ngành công an và ngành tư pháp. Chúng tôi thấy vấn đề này nên đưa vào để cấm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.