Cần 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh
Là các định chế tài chính có vai trò quan trọng trong đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, ngành ngân hàng Việt Nam đang đứng trước thách thức vừa bảo đảm đáp ứng đủ nguồn vốn cho sự nghiệp phát triển nền kinh tế, vừa bảo đảm phát triển nền kinh tế bền vững và hội nhập, đó là phát triển kinh tế xanh cho phát triển bền vững.
Vai trò của ngân hàng ở đây được thể hiện qua các hoạt động cấp tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường.
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) tại hội thảo "Các giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh" do Báo Nhân dân phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 15/9, tại Hà Nội.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua các tổ chức tín dụng đã dành nhiều nguồn vốn cho các dự án xanh như trồng rau công nghệ cao, trồng hoa công nghệ cao; cho vay vốn để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp với lãi suất ưu đãi được hỗ trợ 100% trong hai năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ 3; tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 theo 2 phương pháp: trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê; triển khai chương trình cho vay trồng rừng theo Nghị quyết 30a...
Các đại biểu cũng nhận định, hiện nay, sản xuất sạch hơn ngày càng trở thành xu hướng chung của doanh nghiệp bởi sản xuất sạch có thể giúp các doanh nghiệp tiết kiệm tài chính thông qua giảm lãng phí năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ gia… từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất hoạt động, nâng cao sự ổn định của sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp chính là khoản đầu tư để đổi mới công nghệ tương đối cao. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam thường gặp khó khăn về vốn và không đủ tài sản thế chấp để tiếp cận được với nguồn cho vay tín dụng tại các ngân hàng. Khó khăn này đã làm doanh nghiệp giảm động lực đổi mới công nghệ nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm tác động môi trường.
Để các dự án xanh ngày càng hiệu quả, các đại biểu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên giao cho các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay lớn trong nông nghiệp được sử dụng nguồn tín dụng tái cấp vốn cũng như nguồn vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài thông qua hình thức cho vay lại, bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước hay Chính phủ với lãi suất ưu đãi để thực hiện đầu tư mang lại hiệu quả cao.
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh vào năm 2020, trong đó 70% sẽ từ khu vực ngoài nhà nước.
Ông Mai gợi ý, nguồn vốn có thể huy động từ đầu tư tư nhân dưới dạng FDI, chứng khoán, cho vay lại của nhà nước và ngân hàng thương mại. Đầu tư của Chính phủ và ODA sẽ là chất xúc tác để thu hút, tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh.
Ông Nguyễn Tiến Đông cũng cho biết, để đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh và triển khai nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước tại Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh. Xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy các sản phẩm ngân hàng-tín dụng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực, bao gồm cả tìm kiếm cơ chế hỗ trợ, tăng cường vốn và nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực ngành ngân hàng trong tài trợ cho các dự án xanh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, các giải pháp tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra là rất quan trọng và cụ thể.
Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng xanh tuy là hướng đi mới, còn nhiều thách thức về thể chế, nguồn lực nhưng sẽ là con đường tất yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho rằng Chiến lược đòi hỏi cần có nhiều chính sách, hành động cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, cần nhấn mạnh vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về hướng tăng trưởng xanh trong mọi cấp, trong nhân dân.
Đổi mới, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng đồng bộ với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cải cách thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc và đổi mới công nghệ.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất giải pháp đột phá trình Chính phủ để thu hút tốt hơn các nguồn lực, thực hiện áp dụng hình thức hợp tác công - tư trong lĩnh vực đầu tư xanh, cũng như xây dựng các cơ chế, giải pháp tranh thủ nguồn lực trong nước và quốc tế cho tăng trưởng xanh.