Tỉnh Quảng Ngãi:

Cần bám sát quy hoạch trong việc phát triển rừng phòng hộ ven biển

Theo Ý Thu/Báo Quảng Ngãi

Mặc dù tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Song, việc phát triển diện tích rừng ven biển trên thực tế vẫn thấp hơn rất nhiều so với quy hoạch được duyệt.

Diện tích rừng phòng hộ ven biển ngày càng giảm. Ảnh: Ý Thu
Diện tích rừng phòng hộ ven biển ngày càng giảm. Ảnh: Ý Thu

Theo Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đối khí hậu tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, để đảm bảo tốt vai trò phòng hộ ven biển, tổng diện tích quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ các xã ven biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đạt 3.011ha, trong đó đất có rừng đạt 2.241ha. Giai đoạn 2021 - 2030, diện tích rừng phòng hộ ven biển từ 2.241ha (năm 2020), tăng lên xấp xỉ 2.824ha vào năm 2030.

Quy hoạch là vậy, nhưng trên thực tế, đến năm 2020, theo công bố hiện trạng rừng của tỉnh, tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển chỉ có 1.241ha. Trong đó, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ở mức 1.071ha, còn rừng phòng hộ bảo vệ nguồn nước chỉ ở mức 170ha.

Riêng rừng chắn sóng, lấn biển, dù trên địa bàn tỉnh có nhiều khu vực xuất hiện tình trạng nước biển xâm thực vào đất liền gây sạt lở đất và nhà dân, nhưng đến nay việc trồng rừng phòng hộ ở lĩnh vực này vẫn còn bỏ ngỏ. Đơn cử như như tại bờ biển thôn An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn); bờ biển thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê, bờ biển thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi)... 

Đối với rừng trên cát, dù là rừng chiếm diện tích lớn nhất trong rừng phòng hộ ven biển, nhưng năm 2020 diện tích trồng rừng cũng như khoanh nuôi tái sinh đủ tiêu chí thành rừng trong năm là 0ha.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi (Sở NN&PTNT) Phạm Duy Hưng, dù đã có quy hoạch cụ thể về diện tích rừng phòng hộ ven biển cần đạt được, cũng như diện tích đất quy hoạch để phát triển rừng, nhưng trên thực tế, do đặc thù về địa hình, thời tiết, nên kinh phí để trồng, chăm sóc rừng phòng hộ ven biển khá lớn.

Trong khi đó, kinh phí bố trí cho lĩnh vực này lại rất hạn chế. Hơn nữa, dù tỉnh đã quy hoạch diện tích đất trồng rừng phòng hộ ven biển theo từng địa phương, nhưng trên thực tế, tình trạng người dân lấn chiếm rừng phòng hộ để trồng rừng sản xuất vẫn thường xuyên xảy ra, khó giải quyết dứt điểm. Do đó, mục tiêu phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển theo đúng quy hoạch mà tỉnh đã đề ra đã và đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thu hồi diện tích đất bị lấn chiếm để trồng rừng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1662/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh, giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, ưu tiên trồng rừng phòng hộ chắn gió bão, chắn cát bay, bảo vệ môi trường, phòng chống sa mạc hóa tại các tỉnh miền Trung. Đề án nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố ven biển phải rà soát thực trạng và kế hoạch sử dụng đất cho trồng rừng ven biển, xem xét thu hồi đối với diện tích đất thuộc quy hoạch trồng rừng ven biển bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, không đúng mục đích để khôi phục và trồng rừng theo quy định.