Cần chế tài để giảm thiếu rủi ro trái phiếu
Tình trạng phát hành trái phiếu ồ ạt với lãi suất cao, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản khiến câu chuyện bảo vệ nhà đầu tư trước những rủi ro tiềm ẩn của sản phẩm tài chính mới này được đẩy lên cao trào.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam hình thành từ những năm 1990 và lúc đầu chỉ có trái phiếu của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, những năm vừa qua, đặc biệt là thời gian gần đây, các DN đã đẩy mạnh huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu.
Để giảm thiểu rủi ro của trái phiếu có rất nhiều cách, nhưng quan trọng nhất vẫn là cần có một chế tài, đồng thời giám sát tuân thủ đối với nhà phát hành và tổ chức bảo lãnh.
Nguồn cơn của sự quan ngại
Thực tế, việc bùng nổ các đợt phát hành TPDN vừa qua chứng tỏ nhu cầu của nhà đầu tư đối với sản phẩm tài chính này cũng khá lớn. Nhu cầu phát hành là của các ngân hàng thương mại và DN, trong khi nhu cầu đầu tư bao gồm chính các ngân hàng, các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, thậm chí là các nhà đầu tư cá nhân.
Việc đầu tư vào loại hình trái phiếu nào là do “khẩu vị” của mỗi nhà đầu tư, nhưng trái phiếu của các DN bất động sản (BĐS) thường có mức lợi suất cao hơn nên thu hút được sự quan tâm của hầu hết các nhà đầu tư.
Thậm chí, một số DN địa ốc còn tung ra chiêu mới: thay vì nộp tiền mua căn hộ, đất nền thì khách hàng sẽ mua trái phiếu của DN với các kỳ hạn khác nhau từ 6 tháng trở lên, đến thời điểm trái phiếu đáo hạn, nếu thủ tục pháp lý của dự án căn hộ vẫn chưa hoàn tất, người mua trái phiếu được nhận lại tiền gốc cộng lãi.
Trong tất cả các thành phần nhà đầu tư, nhu cầu từ phía các ngân hàng là rất lớn, bởi theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong những tháng đầu năm 2019, số dư đầu tư trái phiếu của một số ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và đang tăng nhanh.
Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng không được mua TPDN để cơ cấu lại các khoản nợ của DN hay còn gọi cách khác là đảo nợ, kiểm soát việc đầu tư TPDN vào các chương trình, dự án BĐS…
Sở dĩ sự quan ngại này hoàn toàn có cơ sở vì trái phiếu thường không có tài sản thế chấp, hoặc có cũng là hình thành trong tương lai và không được xếp hạng tín nhiệm.
Khi phát hành trái phiếu thành công, đối tượng được hưởng lợi đầu tiên là DN, đơn vị tư vấn hoặc phân phối chứ không phải là các nhà đầu tư. Nhà đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào các thông tin được DN phát hành trái phiếu công bố, mà các thông tin này thường không được rõ ràng và đầy đủ, “đẹp khoe, xấu che” không ít trường hợp còn là những thông tin mang tính chất lừa gạt. Do đó, nếu có vấn đề xảy ra với DN như phá sản, trái chủ gần như sẽ “mất trắng” khoản đầu tư nếu không kịp “thoát hàng”.
Chưa kể, việc các DN phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao sẽ khiến cho áp lực trả lãi và gánh nặng tài chính gia tăng, gây bất ổn đến tính bền vững và sự ổn định của nền kinh tế.
Cần có chế tài
Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá thị trường trái phiếu của Việt Nam hiện nay chưa phát triển và đây là một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, nên cần khuyến khích. Tuy nhiên, phát triển thế nào cho đúng đường lối lại là một chuyện khác.
Nhiều ý kiến cho rằng để người dân yên tâm hơn khi mua TPDN, trước hết phải xếp hạng tín nhiệm đơn vị phát hành, công khai, minh bạch – điều mà hệ thống đánh giá tín nhiệm DN ở Việt Nam hiện nay chưa có.
Theo đó, để đảm bảo chất lượng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, tạo điều kiện cho thị trường vốn, thị trường trái phiếu phát triển biền vững, bảo vệ nhà đầu tư, đến năm 2030 sẽ cấp phép tối đa cho 5 DN xếp hạng tín nhiệm trong nước.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của dài hạn, còn trước mắt sẽ ra sao? Nghị định 163 quy định trái phiếu riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) là một cách cảnh báo cho các nhà đầu tư.
Hay chính bản thân các nhà đầu tư cũng hoàn toàn có thể bảo vệ được mình nếu trước khi “xuống tiền” cẩn thận đánh giá năng lực tài chính, khả năng trả nợ của nhà phát hành. Nhà đầu tư phải hiểu được nguyên tắc huy động vốn thông qua TPDN là tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.
Ngoài xếp hạng tín nhiệm, việc buộc các nhà phát hành trái phiếu phải minh bạch hóa thông tin, các DN cần được kiểm toán cũng là một phương án để giảm thiểu rủi ro, tránh những xáo trộn trên thị trường TPDN.
Thế nhưng, đã gọi là đầu tư thì sản phẩm nào cho lợi suất tốt hơn luôn được ưu ái lựa chọn và có cảnh báo đến đâu, yêu cầu thế nào thì cũng chỉ là những biện pháp tạm thời.
Do đó, thay vì cảnh báo, các cơ quan chức năng cần đưa ra những văn bản quy định rõ ràng, hay nói cách khác là một chế tài nặng nhấn mạnh vào tính minh bạch đối với các tổ chức phát hành, đơn vị tư vấn. Đồng thời là công tác giám sát tuân thủ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và triệt để các rủi ro phát sinh.
Được biết, tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung thêm điều kiện gắn phát hành TPDN ra công chúng với xếp hạng tín nhiệm. Sau khi định hình khung pháp lý, Bộ Tài chính sẽ nỗ lực thúc đẩy sự ra đời của công ty định mức tín nhiệm.