Doanh nghiệp Việt Nam:
Cần chủ động trong phòng vệ thương mại
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện và điều tra phòng vệ thương mại (PVTM). Thực tiễn này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức và có biện pháp ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM và bảo vệ sản xuất trong nước.
Theo Báo cáo thường niên 2014 của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, trong năm 2014, con số các vụ kiện PVTM tính đến hết tháng 10/2014 lên đến 80 vụ, trong đó, các vụ kiện chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam lên tới 47 vụ. Việt Nam đã kháng kiện thành công một số vụ việc PVTM có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu.
Ví dụ như Ấn Độ và Thái Lan đã loại Việt Nam ra khỏi danh sách các nước bị áp thuế trong vụ việc điều tra tự vệ với sợi đàn hồi thô và thép tấm không hợp kim; EC chấm dứt điều tra và không áp thuế chống trợ cấp với sợi PSF nhập khẩu từ Việt Nam… Trong giai đoạn 1994 - 2013, Việt Nam cũng phải đối mặt với 52 vụ điều tra chống bán phá giá bởi 15 quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác PVTM nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn mà một trong những nguyên nhân là do chưa có nhận thức đầy đủ về các quy định pháp luật nói chung và trong lĩnh vực PVTM nói riêng. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên còn gặp rất nhiều hạn chế về nguồn lực và kinh phí khi tham gia vào PVTM.
Bên cạnh đó, hiểu biết trong lĩnh vực PVTM của các cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế dẫn đến việc đưa ra những chính sách vi phạm các Hiệp định WTO, gây ra các vụ kiện liên quan đến trợ cấp đối với hàng xuất khẩu.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm các công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, do đó, đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện PVTM, bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra và tôm chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu thủy sản nhưng hàng năm, 2 mặt hàng này đều bị điều tra chống bán phá giá tại Hoa Kỳ.
Trong lần rà soát hành chính mới nhất, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã quyết định áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm fillet cá tra, basa đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này. Đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục áp thuế chống bán phá giá ở mức thuế suất 4,57%.
Xuất khẩu gỗ thời gian qua không khỏi lao đao khi vướng phải hàng rào kỹ thuật nhập khẩu của Hoa Kỳ, theo đó, hàng nội thất Việt Nam phải đảm bảo nguyên liệu gỗ không ảnh hưởng đến môi trường, không phải là gỗ do chặt phá rừng, mức độ sử dụng hóa chất nằm trong giới hạn cho phép để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn rất chủ quan và thiếu sự quan tâm đến PVTM khi cho rằng, họ là những doanh nghiệp nhỏ, lượng hàng xuất khẩu ít nên sẽ không ảnh hưởng khi có sự vụ xảy ra.
Đại diện Công ty TNHH Austrong Việt Nam cho biết, lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đều thấp, các mặt hàng do công ty sản xuất chủ yếu phân phối ở thị trường nội địa, nên chưa lo nhiều về những vấn đề PVTM. Còn Công ty Cổ phần Thép Tây Đô thì có lượng hàng xuất khẩu không nhiều, chủ yếu xuất sang các nước lân cận như Lào, Campuchia… nên vẫn chưa dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề này.
Đối diện với nguy cơ PVTM từ các nước nhập khẩu
Hội nhập kinh tế càng sâu, kim ngạch xuất khẩu càng cao thì nguy cơ phải đối mặt với PVTM từ các nước nhập khẩu càng nhiều. Sắp tới, sẽ có hàng loạt quy định gây khó khăn cho hàng xuất khẩu: Quy tắc xuất xứ hàng hóa quá khó để tuân thủ, chi phí hành chính và chi phí tuân thủ cao, biên thuế ít…
Ông Võ Văn Thành, Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc VCCI tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 1994 đến nay đã có 80 vụ kiện các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trong đó 40% từ thị trường Hoa Kỳ, 20% từ châu Âu. Các vụ kiện về bán phá giá đã gây thiệt hại nặng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Không chỉ gia tăng về số lượng, các vụ kiện PVTM hiện nay có xu hướng kiện chùm (kiện đồng thời nhiều nước), kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và trợ cấp). Các vụ kiện nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thị trường xuất khẩu chủ lực, các mặt hàng sử dụng nhiều lao động với phạm vi sản phẩm ngày càng rộng và đa dạng…
Các vụ kiện PVTM không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho các doanh nghiệp do năng lực cạnh tranh giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm, nguy cơ mất thị trường, chi phí theo đuổi vụ kiện lớn… mà còn gây thiệt hại về thời gian, gây ra tình trạng mất việc làm, cắt giảm lương, cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp, giảm nguồn thu ngoại tệ.
Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra vụ kiện thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo, sắp tới đây Hoa Kỳ sẽ dùng đến hàng rào liên quan đến phần mềm. Nghĩa là bất kỳ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng hóa nào cũng phải sử dụng những phần mềm có bản quyền. Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ từ chối ngay từ đầu.
Tích cực, chủ động PVTM
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải ứng phó hoặc đối mặt với nguy cơ bị kiện bán phá giá như da giầy, sắt thép, tôn lạnh… Các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải nhận thức rõ nguy cơ bị kiện chống bán phá giá trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu tăng lên dẫn đến việc các hàng rào kỹ thuật sẽ được siết chặt hơn và nguy cơ bị kiện bán phá giá ngày càng gia tăng.
Bà Phạm Châu Giang cho biết, Việt Nam bị áp đặt 100 vụ PVTM, trong đó có 50 vụ bán phá giá nhưng chỉ mới phản kháng lại 3 vụ, chứng tỏ, các doanh nghiệp còn thụ động, khả năng phản kháng chưa tốt. Nguyên nhân chủ yếu là 2/3 doanh nghiệp Việt không nắm được các biện pháp này, hơn 50% cho là khó khăn, 1/3 cho là rất khó khăn khi ngại áp dụng.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần phải nâng cao nhận thức về các công cụ PVTM và chủ động ứng phó với các vụ kiện cũng như chủ động áp dụng các công cụ phòng vệ một cách hiệu quả. Chỉ khi nào doanh nghiệp Việt thực hiện tốt các quy định khắt khe đối với hàng xuất khẩu khi vào thị trường các nước, khi đó Việt Nam mới xây dựng được hàng rào thương mại nhằm buộc các nước thực hiện theo.
Để hạn chế bị kiện PVTM, theo bà Nguyễn Chi Mai, Phòng Xử lí các vụ kiện PVTM của nước ngoài, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung tại một thị trường. Bên cạnh đó, cần nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu vì các vụ kiện PVTM chủ yếu tập trung vào kiện chống bán phá giá đối với các mặt hàng tập trung số lượng nhiều, giá rẻ. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động tham gia các vụ kiện vì đây là cách tốt nhất để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài việc đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, luật sư Trần Hữu Huỳnh khuyến nghị, dưới áp lực nguy cơ bị kiện như vậy, hiệp hội/ngành hàng cần đưa ra thông tin để doanh nghiệp biết, điều phối không làm mặt hàng quá rẻ, cạnh tranh trực tiếp với nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo sớm của cơ quan quản lý, thương vụ nước ngoài cần được cập nhật để doanh nghiệp điều phối.
Đặc biệt, khi đã xảy ra vụ kiện, doanh nghiệp cần hợp tác với cơ quan chức năng trong việc minh bạch sổ sách kế toán để chứng minh doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế nền kinh tế thị trường, để biên độ áp thuế thấp hơn.
Hiện nay, biện pháp PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đang được nhiều nước trên thế giới lựa chọn nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Để thích ứng với xu hướng này, Việt Nam cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về kiện PVTM thông qua việc điều chỉnh, cập nhật, chi tiết hóa các quy định hiện tại trong các văn bản pháp luật liên quan là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp PVTM cũng như đảm bảo tính an toàn pháp lý của các hoạt động này, tránh nguy cơ bị các nước thành viên WTO kiện do vi phạm cam kết.