Cần chú trọng truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Tình trạng gian lận thương mại, nhất là trong việc minh bạch thông tin, xuất xứ sản phẩm của không ít doanh nghiệp trong thời gian vừa qua gây bức xúc trong nhân dân không chỉ làm suy yếu năng lực cạnh tranh của chính các doanh nghiệp mà còn làm ảnh hưởng các nguyên tắc vận hành của nền kinh tế. Việc truy xuất nguồn gốc để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng là vấn đề cần phải làm ngay từ bây giờ.
Đòi hỏi từ phía người tiêu dùng
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thói quen của người tiêu dùng cũng đã có nhiều thay đổi. Việc mua sắm hàng hóa ở các cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại đã trở thành thói quen của nhiều người. Người dân cũng có niềm tin vào việc những sản phẩm được dán nhãn, tem mác của cửa hàng. Song phần lớn vẫn chỉ là đặt niềm tin vào các cửa hàng được coi là có thương hiệu. Còn việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đó sản xuất ở đâu, tiêu chuẩn chất lượng được đánh giá bởi đơn vị nào hay kỹ hơn là thành phần nguyên vật liệu gì... thì phần lớn người tiêu dùng vẫn bỏ qua.
Tuy nhiên, theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng cũng bắt đầu muốn “biết” nhiều hơn về nơi sản xuất, quy trình và quy cách của sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc... Việc truy xuất nguồn gốc dần dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì những lợi ích bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Chị Thu Mai, một người nội trợ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, gia đình chị thường mua hàng hóa ở siêu thị Intimex ở gần nhà để bảo đảm biết được nguồn gốc của miếng thịt hay mớ rau mua về nhằm giữ gìn sức khỏe cho cả gia đình.
Đứng từ góc độ người tiêu dùng, ủng hộ sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình. Bởi khi người tiêu dùng đòi hỏi và sẵn sàng chi nhiều hơn cho những sản phẩm an toàn, chất lượng thì doanh nghiệp sẽ chủ động sản xuất “sạch” để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thêm vào đó, tình trạng hàng giả, kém chất lượng sẽ từng bước được ngăn chặn.
Nắm bắt được xu thế này, đã có những doanh nghiệp bước đầu xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa nông sản theo một số các tiêu chuẩn có uy tín như Gap, GlobalGap, ASC, BAP... Các doanh nghiệp này hướng đến không chỉ đáp ứng nhu cầu từ trong nước, mà còn nỗ lực để có thể chinh phục thị trường quốc tế vốn có đòi hỏi cao và nghiêm ngặt về các chuẩn mực chất lượng. Tiếc rằng đội ngũ các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn này hiện nay ở ta vẫn còn quá nhỏ nhoi để xây dựng được uy tín với thị trường.
Việc truy xuất cần độc lập
Có thể nói, từ góc độ doanh nghiệp, áp dụng tem truy xuất nguồn gốc đem đến nhiều lợi ích. Thứ nhất, tính cạnh tranh của sản phẩm dán tem truy xuất sẽ cao hơn các sản phẩm cùng loại. Thứ hai, dán tem cho phép truy xuất đầy đủ thông tin sản xuất và phân phối sản phẩm là cách doanh nghiệp khẳng định sự minh bạch và uy tín của mình, xây dựng hình ảnh đáng tin cậy trong lòng người tiêu dùng.
Ngoài ra, tem truy xuất sẽ là hàng rào bảo vệ uy tín sản phẩm và doanh nghiệp trước nạn hàng giả, hàng nhái nhờ thông tin chính thống được cung cấp hai chiều. Về lâu dài, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng giả; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhờ các tiện ích khi áp dụng công nghệ truy xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp đang tự làm tem và công bố thông tin mà không được tổ chức nào chứng nhận. Do vậy, ở nhiều cửa hàng, mặc dù có mã QR để kiểm tra nhưng người tiêu dùng chưa hoàn toàn tin vào những thông tin trên mã. Khi đó, một đơn vị thứ ba uy tín đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng là điều cần thiết.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, giám đốc dự án truy xuất nguồn gốc điện tử TraceVerified cho biết, nhà sản xuất sau khi đưa thông tin sản phẩm lên hệ thống sẽ không thể điều chỉnh lại được ngay sau đó. Mã số lô hàng là mã số đơn nhất trên toàn cầu, không có trùng lặp. Nếu doanh nghiệp tự thực hiện việc nhập thông tin truy xuất nguồn gốc lên hệ thống thì doanh nghiệp cũng có thể điều chỉnh được thông số sản phẩm, việc thông tin sản phẩm không thật là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, để bảo đảm độ tin cậy của thông tin sản phẩm, phải có một đơn vị độc lập đứng ra cung cấp công cụ thông tin.
Như vậy, việc các sản phẩm sử dụng nhãn mác theo tiêu chuẩn như thế nào lại là một câu chuyện khác nữa mà các nhà hoạch định chính sách và quản lý thị trường cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn. Ở các quốc gia trên thế giới, hệ thống tiêu chuẩn nhà nước sẽ độc lập với các hệ thống siêu thị, các nhà bán lẻ. Thí dụ doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch bán ở thị trường châu Âu được công nhận đạt chuẩn, nhưng muốn bán sản phẩm ở những siêu thị cụ thể thì hệ tiêu chuẩn độc lập cao hơn tiêu chuẩn nhà nước.
Hiện đã có những quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện và thời hạn thực hiện lại chưa được chú trọng. Chính vì vậy, cần coi việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là nhiệm vụ phải làm thường xuyên. Tuyên truyền và hướng dẫn cách thức truy xuất cho người tiêu dùng và xây dựng những chế tài bắt buộc đối với các doanh nghiệp, trong đó quy định rõ về thời hạn thực hiện.
Về phía các cơ quan quản lý cần tiến hành sắp xếp, tổ chức lại lực lượng kiểm soát chống gian lận thương mại theo hướng chuyên sâu. Bởi vì, một trong những hạn chế của công tác chống gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian qua chính là đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chống gian lận thương mại chưa thật sự chuyên nghiệp, còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, thu thập thông tin.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng các quy định cho các bên thứ ba trong việc đứng ra xác định nguồn gốc của sản phẩm, làm “trọng tài” cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Và hơn bất cứ ai doanh nghiệp muốn bảo vệ uy tín và xây dựng thương hiệu của mình thì phải nâng cao chất lượng sản phẩm trong đó bao gồm cả việc minh bạch hóa và trung thực về nguồn gốc và quy cách sản phẩm của mình.