Nhiều "điểm sáng" trong phát triển kinh tế - xã hội
Đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kinh tế - xã hội nước ta có nhiều “điểm sáng”, nhất là tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ các dự án công trình trọng điểm quốc gia...
Tăng trưởng cao, thu ngân sách vượt dự toán
Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đều ghi nhận trong bối cảnh hết sức khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, với sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Đây tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của kinh tế thế giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Đất nước trên tất cả các mặt, được cử tri, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đánh giá, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, năm 2023, bốn trụ cột của nền kinh tế đều tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, quốc phòng an ninh đảm bảo, đời sống của nhân dân được cải thiện. Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án về phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, trong điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, thị trường thu hẹp, chuỗi cung cầu đứt quãng, nước ta vẫn đảm bảo các nguồn thu, điều hành chính sách tài khóa hợp lý, hiệu quả đã tạo nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm, nhất là đầu tư trong quá trình hoàn thiện hạ tầng kinh tế xã hội như đường cao tốc Bắc Nam đi qua 45 tỉnh thành, nhà ga hành khách, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất... Qua đó, đã tạo nền tảng đất để đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Tiêu biểu như: tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, thu ngân sách vượt dự toán, tập trung thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế, tái cấu trúc nâng cao hiệu quả hoạt động các tập đoàn kinh tế nhà nước, kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu tiếp tục tăng, lạm phát được kiểm soát…
Kích cầu sản xuất trong nước
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cho rằng, còn nhiều chỉ tiêu quan trọng chưa đạt được theo kỳ vọng. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá, phân tích kỹ hơn về những khó khăn, các nguyên nhân, để từ đó, đưa ra các giải pháp sát với thực tiễn, các chỉ tiêu, mục tiêu kế hoạch đã đặt ra.
Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Quốc hội tiếp tục có chính sách tài khóa phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kích cầu sản xuất trong nước, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm; kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn thời gian thực hiện quy trình thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đại biểu Đỗ Thị Lan cũng cho rằng, cần có các chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cung cấp thông tin hỗ trợ, pháp lý, kỹ thuật, kỹ năng quản trị và tiếp cận vốn tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, tổng cầu trong nước còn yếu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc, logistics trong nông nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn…
Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất tiếp tục có cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển nhanh, tạo sự đột phá trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, để ngành này trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế.
Cùng với đó, tiếp tục có những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm gia tăng hơn nữa giá trị và hiệu quả của chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đồng bộ kết nối đến tận các vùng nguyên liệu; có chính sách để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp nông thôn bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để tăng đầu tư kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn…