Căn cước công dân: Thẻ mới chưa “ráo mực” lại thay thẻ mới hơn!
Về cơ bản thẻ Căn cước công dân (CCCD) mẫu mới chỉ khác thẻ CCCD hiện nay là gắn chip thay vì mã vạch, thông tin khác, mã số định danh không thay đổi. Vậy thì sao phải đổi?
Mới đây, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) đề nghị công an các tỉnh thành đang cấp đổi chứng minh nhân dân (CMND) sang thẻ căn cước công dân (CCCD) ngừng khuyến khích việc người dân cấp đổi thẻ CCCD. Việc này ngay lập tức nhận được nhiều phản ứng từ dư luận và các chuyên gia.
Theo đó, Thiếu tướng Tô Văn Huệ – Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (C06) cho hay, dự án sử dụng mẫu thẻ CCCD gắn chip dự kiến thực hiện khoảng tháng 11/2020. Khi có thẻ CCCD mẫu mới, người dân sẽ được cấp đổi dần dần theo lộ trình, không bắt buộc đổi mẫu mới ngay.
Đại diện C06 cũng cho rằng, về cơ bản thẻ CCCD mẫu mới chỉ khác thẻ CCCD hiện nay là gắn chip thay vì mã vạch, thông tin khác, mã số định danh không thay đổi… Bản chất chỉ là thay đổi về công nghệ và không vướng mắc về quy định của pháp luật mà còn thêm nhiều lợi ích đối với người dân cũng như công tác quản lý của nhà nước nên không vướng mắc gì trong việc triển khai.
Theo Luật CCCD 2014, dự kiến chậm nhất từ ngày 1/1/2020 việc cấp thẻ CCCD được triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay mới có 16 tỉnh thành trên cả nước đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện việc cấp thẻ CCCD.
Hiện mới cấp được khoảng 16 triệu số định danh và CCCD, còn khoảng 80 triệu người chưa được cấp, trừ số người dưới 14 tuổi thì còn khoảng 50 triệu người, và có thể hoàn thành cấp trong một năm (từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021). Để kịp tiến độ cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an có chủ trương đẩy nhanh tiến độ (gồm cả tuyên truyền, khuyến khích người dân đi làm thẻ CCCD).
Vì thế, dưới góc nhìn của người dân, việc thay đổi mẫu CCCD này khiến nhiều người bất ngờ. Rất nhiều người dân cho biết mình mới đổi từ CMND sang CCCD (mã vạch). Nếu biết có kế hoạch đổi sang CCCD gắn chip, thì đã đợi để đổi luôn, đỡ phải đổi lại sau này.
Nhưng cũng có người nói thẳng rằng, khi bạn đổi giấy tờ tùy thân, sẽ có bao thứ sẽ kéo theo. Nếu là dân kinh doanh và mở tài khoản ngân hàng thì phải đi điều chỉnh lại. Rồi giấy tờ nhà đất, hộ chiếu, di chúc, sổ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.... Quả thật, suộc sống không chỉ có cái giấy CMND hoặc CCCD.
Không chỉ người dân bất ngờ, ngay chính cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD cũng gặp lúng túng khi vừa mới triển khai nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ CCCD.
Chẳng hạn như mới đây phía Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khi trao đổi với giới truyền thông cũng cho hay, chấp hành chủ trương mới, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cấp đổi sang thẻ CCCD cũng giải thích cho người dân để nếu chưa cần thiết đổi CCCD thì có thể đợi làm mẫu mới. Nếu có kế hoạch đổi CCCD có gắn chip điện tử thì ngưng việc đổi CCCD có mã vạch vừa tránh phiền phức cho dân vừa tiết kiệm một số tiền không nhỏ.
Thực tế, Quốc hội bấm nút đồng tình để thông qua thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy kéo theo là vô cùng phức tạp. Bởi lẽ, nếu tất cả các bộ, ban, ngành phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ chúng ta đã in sẵn để thay từ CMND thành CCCD (mã vạch), rồi lại đổi sang CCCD gắn chíp thì sẽ rất tốn kém. Cùng với đó là các văn bản, giấy tờ lưu trữ rồi đây sẽ lẫn lộn, trong khi bản chất của CCCD mã vạch và gắn chíp như đại diện Cục C06 nói thì không có gì thay đổi.
Đó là chưa nói đến tính hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội của CCCD còn chưa chứng minh rõ rang trong thực tiễn. Phải chăng chúng ta đang phê duyệt cho việc đập bỏ nhà cũ, xây nhà mới mà không biết được thiết kế ra sao, tiền ở đâu, có năng lực thi công không và nhà mới thì có tốt hơn nhà cũ hay không?
Cần phải nhớ, Luật CCCD phải mang tính cách mạng. Tư tưởng là để phục vụ nhân dân chứ không phải quản lý nhân dân, không nên để thuận lợi cho quản lý nhà nước mà đẩy khó khăn cho người dân. Tức là, CCCD có chip hay không cũng không thành vấn đề, mà vấn đề nằm ở mặt quản lý của cơ quan nhà nước mà thôi.