Cân đối, bố trí dự toán chi ngân sách địa phương nếu có phát sinh tăng hoặc giảm đối tượng chính sách

PV.

Bộ Tài chính vừa giải đáp những băn khoăn của cử tri tỉnh Tuyên Quang liên quan đến việc địa phương chủ động cân đối, bố trí dự toán chi ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện, ngân sách trung ương không hỗ trợ nếu có phát sinh tăng hoặc giảm đối tượng chính sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Gửi kiến nghị tới Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Quyết định về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022.

Qua nghiên cứu dự thảo Quyết định (dự thảo lần 1, ngày 31/05/2021), tại khoản 1 Điều 23 (Phương án 1) và khoản 1 Điều 12 (Phương án 2) có quy định: “Các chế độ chính sách đã ban hành và được tính trong định mức dự toán chi thường xuyên của ngân sách địa phương năm 2022, các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 có phát sinh tăng hoặc giảm đối tượng các chính sách, các địa phương chủ động cân đối, bố trí dự toán chi ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện, ngân sách trung ương không hỗ trợ”. Trong khi theo quy định tại khoản 4, Điều 9, Luật NSNN thì: “Việc ban hành và thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp...”.

Cử tri tỉnh Tuyên Quang cho rằng, việc quy định khoản 1 Điều 23 (Phương án 1) và khoản 1 Điều 12 (Phương án 2) của Dự thảo Quyết định là không phù hợp với khoản 4 Điều 9 Luật NSNN. Việc các chính sách tăng, giảm đối tượng trong giai đoạn ổn định là yếu tố khách quan, tuy nhiên đối với các tỉnh miền núi chưa cân đối được ngân sách như tỉnh Tuyên Quang không bảo đảm được nguồn lực đối với kinh phí phát sinh tăng thêm sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cử tri tỉnh Tuyên Quang đề nghị quy định theo đúng nguyên tắc ngân sách trung ương phải đảm bảo nguồn để thực hiện trong cả giai đoạn ổn định ngân sách 2022-2025.

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang, tại Công văn số 10830/BTC-NSNN, Bộ Tài chính cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/09/2021 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022.

Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 3 Chương II Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 quy định rõ, định mức phân bố của ngân sách địa phương được xây dựng cho các lĩnh vực chỉ theo quy định của Luật NSNN, bảo đảm chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ và mức tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, hoạt động của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách được Nhà nước ban hành, có hiệu lực đến thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết này (chưa bao gồm kinh phí phát sinh tăng thêm để thực hiện các chính sách theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và kinh phí thực hiện một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa).

Cũng theo điểm b khoản 1 Điều 3 Chương II Nghị quyết này, từ năm ngân sách 2022, việc ban hành và thực hiện chế độ mới làm tăng chi NSNN thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 9 của Luật NSNN. Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các địa phương sau khi đã sử dụng các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương theo quy định mà chưa cân đối đủ nguồn lực để thực hiện.

Trường hợp địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố nghiêm trọng, địa phương phải chủ động sử dụng dự toán ngân sách địa phương, bao gồm cả dự phòng, quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp theo quy định để khắc phục.

Trong trường hợp vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cho ngân sách địa phương. Như vậy, việc quy định tại dự thảo Quyết định như trên phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật NSNN.