Cần giải pháp cải cách đột phá

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phục hồi thị trường bất động sản là 3 vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay. TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), cho biết năm 2014, các vấn đề này sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện để tạo cơ hội cho DN đầu tư mới, đồng thời cải thiện môi trường, thu hút đầu tư nước ngoài.

Cần giải pháp cải cách đột phá
Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN và phục hồi thị trường bất động sản là 3 vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay. Nguồn: internet

Tăng trưởng đến giới hạn

Phóng viên: Thưa ông, năm 2014, 3 vấn đề đang nhận được sự quan tâm rất lớn nêu trên sẽ được xử lý như thế nào?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tập trung xử lý nợ xấu để phá băng tín dụng là 1 trong 3 vấn đề then chốt mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải tìm ra lời giải ngay trong quý I để điều hành kinh tế trong năm 2014. Tín dụng năm 2013 tăng 12,58%, nhưng nếu trừ đi lạm phát và tăng trưởng tín dụng nhập lãi và gốc (thí dụ vay 100 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm nhưng không trả được, nợ thành 110 tỷ đồng và tính tăng trưởng tín dụng là 10%), tăng trưởng tín dụng thực sẽ rất thấp.

Hay tăng trưởng tín dụng ảo thì tăng trưởng ròng (tín dụng mới theo hạch toán của các quốc gia trên thế giới) cũng sẽ rất thấp. Tăng trưởng tín dụng thấp khiến đầu tư của khu vực tư nhân thấp, kéo theo đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như đầu tư công vào khu vực tư nhân cũng rất thấp.

Vì vậy, Chính phủ cho rằng đây là vấn đề then chốt và quan trọng nhất. Chúng ta biết Hoa Kỳ phải mất đến 5 năm mới phá được tín dụng và đến năm 2013 mới tuyên bố tín dụng bắt đầu tan. Thời gian qua chúng ta đã rất nỗ lực phá băng tín dụng. Nhưng gắn với việc này phải xử lý nợ xấu.

Đối với gói 30.000 tỷ đồng, ngành ngân hàng muốn có chương trình kết nối với các đơn vị sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, mục đích của chương trình là cho vay một lần để giải phóng khối lượng lớn nguyên vật liệu xây dựng. Cụ thể, ngành ngân hàng phối hợp với các hiệp hội, các DN sản xuất vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hồ Chí Minh để triển khai thí điểm ở TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN

Theo đánh giá của chúng tôi, khoảng 1/3 tổng số nợ xấu đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro, hạch toán ngoại bảng và bán nợ cho VAMC. Phần còn lại sắp tới phải xử lý nhanh, hiệu quả hơn, phải tạo ra mối quan hệ lành mạnh giữa DN và ngân hàng để tận dụng được cơ hội đầu tư mới. Các giải pháp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có đề án chi tiết với lộ trình khá cụ thể và đã được Thủ tướng phê chuẩn. Vấn đề còn lại là làm thế nào để thúc đẩy nhanh và mạnh hơn.

Nhiều ý kiến đánh giá tiến độ xử lý nợ xấu thời gian qua còn chậm, theo ông nguyên nhân là gì?

Nguyên nhân chủ yếu là không có tiền, ngân sách bị hụt và Quốc hội tuyên bố không được dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu của ngân hàng và DN. Điều này cũng tương tự ở Nhật Bản cách đây 20 năm và Hoa Kỳ cách đây 5 năm. Vì thế chúng ta phải dùng tiền của NHNN để xử lý nợ xấu.

Nhưng khi sử dụng tiền của NHNN không thể dùng một cách mạnh mẽ và nhanh chóng được, bởi như vậy sẽ làm lạm phát tăng trở lại, tạo nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng, kéo nền kinh tế sụp đổ. Vì vậy, ngay từ đầu khi chưa có VAMC, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng nếu dùng tiền của NHNN phải chấp nhận trong vài năm tới tăng trưởng kinh tế tối đa không quá 6%.

Thực tế 2 năm qua chúng ta đã quyết liệt xử lý nợ xấu và cho thấy không thể nào đi nhanh hơn, nên tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức này. Nói cách khác tăng trưởng thực và tăng trưởng tiềm năng đã tới hạn, nay muốn tạo tiềm năng mới và thoát khỏi một chu kỳ tăng trưởng thấp để bước vào chu kỳ tăng trưởng cao hơn phải có những bước đột phá.

Theo đó, phải đẩy nhanh xử lý nợ xấu và tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, những ngân hàng nào yếu kém phải chấp nhận sáp nhập, thậm chí phá sản. Bằng những biện pháp quyết liệt chúng ta giành lại quyền điều hành “hệ tuần hoàn của cơ thể” để đảm bảo thông suốt, lành mạnh và minh bạch.

Công khai lộ trình, minh bạch thực thi

Hiện tái cơ cấu DNNN diễn biến rất chậm, năm 2014 vấn đề này sẽ được thực hiện ra sao?

Tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN có 2 vấn đề. Một là hiệu quả của nền kinh tế tập trung vào khu vực DNNN đang rất thấp, cần phải cải cách. Tái cơ cấu DNNN là dấu hiệu để các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rằng Việt Nam thực sự cải cách, đã nói phải làm. Và cải cách DNNN chính là cải cách thể chế của Việt Nam.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn nhận Việt Nam thực sự có những bước tiến bộ về thể chế, thực sự đi vào cải cách, tái cơ cấu DNNN, còn nếu không họ không tin. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý cho cải cách DNNN, như phê chuẩn 100 đề án trên tổng số 101 tập đoàn, tổng công ty. Bây giờ chỉ còn hành động.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư hỗ trợ cải cách DNNN với nền tảng khá tốt để đẩy nhanh quá trình này. Nhưng Thủ tướng cũng biết rằng giải quyết vấn đề này rất khó do đụng đến nhiều vấn đề khác.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ của năm 2014 còn rất nặng nề, khó khăn, thách thức trước mắt còn rất lớn, yếu kém của nền kinh tế còn nhiều. Vì vậy không được chủ quan, lơ là. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01 của Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu DNNN theo đề án đã được duyệt, trọng tâm là cổ phần hóa, bán, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với DNNN.
Tuy nhiên, lần này chúng ta gây áp lực thật sự và tuyên bố ai không làm, ai cản trở sẽ dứt khoát bị thay thế. Do vậy,  điều quan trọng là chúng ta phải gỡ bỏ rào cản lâu nay về mặt kỹ thuật đối với cổ phần hóa DNNN. Chẳng hạn cổ phần hóa những tập đoàn lớn rất phức tạp về mặt thủ tục, thí dụ việc tìm một công ty để định giá DN mất rất nhiều thời gian.

Vấn đề này các công ty tư vấn tài chính và công ty chứng khoán trong nước không làm được, phải thuê các đơn vị nước ngoài. Khi đó sẽ xảy ra trường hợp 4-5 DN nước ngoài vào, mỗi DN mất vài tuần để giới thiệu về mình, quảng bá năng lực, nộp hồ sơ, sau đó tổ chức đấu thầu để tìm nhà thầu phù hợp, rắc rối vô cùng.

Thí dụ việc cổ phần hóa ngân hàng Ngoại thương, chỉ riêng thủ tục mất 2 năm vì đụng tới những vấn đề kỹ thuật quá khó. Hay như trường hợp Vietnam Airlines nói rất khó định giá những máy bay mua cách đây 5 năm...

Lần này chúng ta sẽ cắt bớt các khâu về kỹ thuật, hỗ trợ cho cổ phần hóa để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình này. Cụ thể, giải tỏa các rào cản về mặt pháp lý và xử lý các vấn đề khó về mặt kỹ thuật.

Thí dụ, những tập đoàn, công ty nhỏ giao cho các công ty trong nước làm, chấp nhận giá họ đưa ra để tham chiếu, không cần phải chính xác, không nhất thiết phải khoa học mà vấn đề quan trọng là phải đẩy mạnh cổ phần hóa.

Những tập đoàn lớn, nhạy cảm có thể có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài lớn. Trong trường hợp này chúng ta phải làm cẩn thận, tránh thất thoát lớn về tài sản, đồng thời công khai lộ trình và minh bạch từng khâu cổ phần hóa để gây sức ép. Vì nếu không gây sức ép, những người có lợi ích cá nhân ở đó sẽ tìm mọi cách cản trở quá trình này.

Vấn đề then chốt thứ 3 là phục hồi thị trường bất động sản. Nhận định của ông về vấn đề này?

Thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua bị tai tiếng rất xấu, đó là đã gây ra những đổ bể hiện tại về thị trường tài sản. Trên thực tế tai tiếng đó cũng đúng, bởi các DN của Việt Nam làm bất cứ ngành nghề nào cũng phải mua bất động sản, coi như là tài sản thế chấp để vay tiền ngân hàng. Hơn nữa, đây là lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận rất cao.

Những lý do này cộng với hoạt động của nhà đầu cơ gia tăng, đã dồn thị trường bất động sản đến bong bóng rất lớn. Trong khi đó, đây lại là thị trường nền tảng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dung lượng thị trường của cả nền kinh tế khiến ai cũng phải quan tâm.

Vì thế, nhất định phải chấn chỉnh, minh bạch hóa thị trường bất động sản mới có thể có nhiều tiền để giúp phục hồi các thị trường tài sản khác, đặc biệt giúp xử lý nợ xấu nhanh hơn và khó khăn vướng mắc của DN có thể được xử lý rốt ráo hơn. Xử lý các vấn đề này rất quan trọng, bởi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dựa vào đó để đánh giá, nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi hay chưa.

Nằm trong các giải pháp hỗ trợ nhằm vực dậy thị trường bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, NHNN sửa đổi các thủ tục liên quan đến gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà. Theo đó, những sửa đổi này sẽ được tiến hành trong quý I năm nay và sẽ sớm được công bố.

Ngoài ra, các vấn đề về Luật Xây dựng, Luật Bất động sản cũng đang được chỉnh sửa để trình Quốc hội. Với những hoạt động như vậy, cộng với việc quyết liệt xử lý nợ xấu, có thể hy vọng thị trường bất động sản sẽ dần hồi phục.

Xin cảm ơn ông.