GS.,TSKH. Nguyễn Mại:
Cần hành động nhanh để nắm bắt cơ hội từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn từ sự dịch chuyển sản xuất, dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Cần phải hành động nhanh để không bỏ lỡ cơ hội. Nhadautu.vn có cuộc trò chuyện với GS.,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài để làm rõ vấn đề này.
Phóng viên: Giáo sư đánh giá thế nào về sự chuyển dịch dòng vốn FDI đang diễn ra hiện nay?
GS.,TSKH. Nguyễn Mại: Đang có một thực trạng với đầu tư nước ngoài đó là dòng vốn đầu tư đang nằm ở các nước, nhất là Trung Quốc sẽ chuyển về nước hoặc sang nước thứ ba. Có thể thấy, cả Mỹ và Nhật đều đang khuyến khích việc này, thậm chí có nguồn tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp nước họ chuyển về nước hay chuyển sang nước thứ ba.
Vì sao có câu chuyện này? COVID-19 đã khiến thế giới có sự thay đổi rất lớn. Về mặt sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy khiến các nước phát triển hướng nội nhiều hơn nên coi trọng đầu tư nội bộ. Mỹ đầu tư để giảm thất nghiệp, Trung Quốc cũng lo đầu tư trong nước, Nhật cũng tương tự do tăng trưởng âm cần kéo đầu tư trở lại. Nhưng bên cạnh đó, không thể không có sự dịch chuyển dòng vốn sang nước khác.
Minh chứng rõ nhất là Apple chuyển 30% lượng tai nghe không dây sang sản xuất tại Việt Nam, hay mới đây nhất là Panasonic chuyển cơ sở sản xuất máy lạnh, tủ lạnh từ Thái sang Việt Nam, Microsoft cũng tuyên bố sẽ chuyển sản xuất sang Việt Nam…
Trước tình hình như vậy, có ý kiến đánh giá sự dịch chuyển là có nhưng không nên quá lạc quan vì nhà đầu tư nước ngoài chuyển về nước là chính còn chuyển sang các nước khác không phải là nhiều.
Ý kiến khác cho rằng, chúng ta không lạc quan nhưng đang đứng trước cơ hội rất lớn, cơ hội từ thế giới đang thay đổi, cơ hội từ sự thận trọng của nhà đầu tư khi xuất hiện tâm lý cảnh giác với những thị trường lớn như Trung Quốc trong bối cảnh đang có những mâu thuẫn với Mỹ, EU, Nhật, Hàn...
Không phải thị trường Trung Quốc không hấp dẫn, cũng không phải chuyển tất cả ra khỏi Trung Quốc, điều ấy không bao giờ có, nhưng ít nhất chuyển 5-10% ra khỏi Trung Quốc cũng đã là nhiều. Cũng không phải không có đầu tư mới vào Trung Quốc, nhưng đầu tư mới cũng không còn giữ được sự hào hứng như trước, đã xuất hiện thái độ cảnh giác. Do vậy, Việt Nam nên nắm bắt cơ hội này.
Vậy theo Giáo sư, đâu là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước?
Việt Nam đang có lợi thế hơn trước. Ngoài an ninh chính trị, an ninh kinh tế, tăng trưởng khá, cải cách được đánh giá cao... chúng ta đã gây được thiện cảm với các nhà đầu tư nước ngoài qua việc chống dịch.
Qua dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy hai ưu điểm lớn. Thứ nhất, việc chống dịch rất tốt đã thể hiện năng lực điều hành của Chính phủ trước thảm họa toàn cầu, điều này được thế giới thừa nhận, lấy được lòng tin của nhân dân và nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai là sức chống chịu khá tốt của nền kinh tế. Mặc dù có những doanh nghiệp phá sản nhưng tăng trưởng Quý I là 3,8% và tăng trưởng cả năm được dự báo ở mức khá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có tuyên bố ở cấp cao khi khẳng định đầu tư nước ngoài là một trong 5 mũi “giáp công” để khôi phục và phát triển nhanh kinh tế sau dịch.
Để nắm bắt cơ hội này, cần phải hành động nhanh để gia tăng sức cạnh tranh. Có thể thấy hai quốc gia đã sớm hành động và đang có lợi thế hơn chúng ta. Đó là Ấn Độ với thị trường 1,3 tỷ dân, công nghệ hơn Việt Nam, đào tạo kỹ sư đứng đầu thế giới, nguồn nhân lực dồi dào, lương thấp, Thủ tướng Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ thu hút 1.000 doanh nghiệp lớn chuyển sang Ấn Độ, đó là sự cạnh tranh mà chúng ta không thể bỏ qua.
Quốc gia thứ hai là Indonesia với thị trường gần 300 triệu dân, GDP gấp 4 lần Việt Nam, Thủ tướng Indonesia cũng đã ra lệnh làm ngay khu công nghiệp 400 ha để các doanh nghiệp chuyển nhà máy sang Indonesia và sẽ làm tiếp một khu công nghiệp tương tự trong thời gian tới. Vì vậy, chúng ta không làm nhanh sẽ đánh mất cơ hội.
Cụ thể Việt Nam cần làm gì thưa Giáo sư?
Bên cạnh giải pháp trung hạn và dài hạn thì cần những giải pháp cấp thiết để giải quyết vấn đề trước mắt.
Đầu tiên phải có đất sạch, đất sạch rất quan trọng. Về vấn đề này trong nước hiện có hơn 300 khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có rất nhiều đất chưa sử dụng, có những nơi đã có hạ tầng cơ sở có thể kêu gọi đầu tư được ngay, nhưng nơi chưa phát triển thì thành lập khu công nghiệp mới.
Như Bắc Giang đang đề nghị thành lập khu công nghiệp 500ha để đón Tập đoàn công nghệ cao từ Đài Loan với mức đầu tư cam kết lên tới 4 tỷ USD. Hiện họ đang chờ đất sạch để làm nên Bắc Giang cũng tha thiết đề nghị Thủ tướng được làm khu công nghiệp 500 ha.
Thủ tướng đồng ý với việc dù các khu công nghiệp khác chưa lấp đầy nhưng ở nơi có khả năng thu hút đầu tư, đón sự dịch chuyển sẽ tạo điều kiện, làm nhanh các thủ tục để có đất cho nhà đầu tư.
Điều quan trọng là giá đất cần ổn định. Theo thông tin thì tiền thuê đất tại Hà Nội và TP.HCM vẫn chỉ bằng 30% so với Bắc Kinh và Thượng Hải.
Thứ 2 là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng cũng đã yêu cầu các địa phương phải đào tạo bồi dưỡng nhanh, chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư. Về vấn đề này, Việt Nam có lợi thế khi các tập đoàn lớn đã đầu tư vào Việt Nam khẳng định nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của họ. Điển hình là Samsung, ông lớn Hàn Quốc này từng phát biểu, nhân lực Việt Nam không thua kém năng suất so với Hàn Quốc nhưng tiền lương chỉ bằng 40%. Phải làm thế nào để nhà đầu tư thấy Việt Nam không những đáp ứng được nhân lực chất lượng cao mà tiền lương còn rất cạnh tranh.
Thứ ba là không nên coi chuyển các nhà máy sang Việt Nam là chuyển thiết bị cũ, không thể thực hiện như Thông tư 23 của Bộ Khoa học công nghệ rằng phải kiểm đếm, phải đánh giá tác động môi trường… Dù vậy, để đảm bảo lợi ích của Việt Nam, cần đưa nhà đầu tư các quy định về việc sử dụng thiết bị cũ, tức phải bảo đảm môi trường, xử lý chất thải, chất rắn, không phát thải khí nhà kính quá mức… Khi nhà đầu tư chuyển vào, nếu phát hiện những tiêu chuẩn chưa được đáp ứng so với quy định chúng ta thì hướng dẫn họ nâng cấp. Tôi khẳng định, không nhà đầu tư nào nào dại ôm nhà máy đang sản xuất chuyển sang Việt Nam để đắp chiếu.
Thứ tư là cần đơn giản hóa tối đa các thủ tục, vì nếu chuyển sang Việt Nam mà mất 6-7 tháng mới có thể sản xuất thì chắc chẳng có ai vào. Nhà đầu tư khi chuyển nhà máy đều mong muốn khi chuyển vào có thể sản xuất được ngay.
Thêm nữa, nên xem lại quy định về doanh nghiệp chế xuất, vì chắc chắn nhiều nhà đầu tư vào đây sẽ xuất khẩu 100%. Nếu họ xuất khẩu không hết những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, người ta có quyền bán tại thị trường Việt Nam, cần có hướng dẫn cụ thể cho nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng đã đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt giao Bộ KH&ĐT làm Tổ trưởng để có thể giải quyết nhanh các khúc mắc cho nhà đầu tư, đồng thời chủ động tiếp xúc với các tập đoàn lớn để nắm bắt nhu cầu, cũng như mời chào họ đến với Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!