“Sóng” FDI không mang lại cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ


Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Trương Thị Chí Bình cho biết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã có nguồn cung cấp linh kiện ở nước khác, họ chỉ vào Việt Nam lắp ráp và xuất khẩu để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại. Vì thế, ngành công nghiệp hỗ trợ không có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng nếu thực sự có “làn sóng” vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào nước ta trong thời gian tới.

Rất ít thông tin lạc quan

Bà nhận định gì về cơ hội của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ta trong việc tận dụng làn sóng FDI  tới đây?

Bà Trương Thị Chí Bình
Bà Trương Thị Chí Bình

Làn sóng FDI vào Việt Nam về mặt lý thuyết sẽ là cơ hội để doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta có thêm khách hàng.

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp FDI đã có nguồn cung cấp linh kiện ở nước khác, họ chỉ vào Việt Nam để lắp ráp và xuất khẩu để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do nước ta đã tham gia. 

Do đó, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước không dễ có được cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng từ các doanh nghiệp FDI này. Trong khi đó, Việt Nam “trải thảm đỏ”, ưu đãi rất nhiều để thu hút FDI.

Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, cho đến thời điểm này rất ít thông tin lạc quan từ thị trường. Một vài công ty sản xuất linh kiện nhựa, cơ khí trong nước nhận được thêm đơn hàng do việc cung ứng từ Trung Quốc khó khăn trong thời gian dịch bệnh.

Tuy nhiên, ngay khi Trung Quốc phục hồi sản xuất thì các đơn hàng thêm này đã giảm dần. Trong khi khách hàng Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn, sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh nhưng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hầu như không đáp ứng được yêu cầu đó.

Theo bà đâu là điểm yếu “cốt tử” của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ?

Quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất nhỏ, máy móc ít, trình độ quản lý chưa cao nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt yêu cầu về chất lượng rất ít.

Do chưa có được các sản phẩm là cụm linh kiện hoàn chỉnh nên doanh nghiệp phải chia nhỏ thành nhiều phần, dẫn tới khó cạnh tranh về giá. Hiện nay, với nhiều hạng mục, để hoàn thiện thì doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Trung Quốc, Thái Lan gia công rồi gửi về, làm chi phí cao thêm.

Khó khăn nhất hiện nay là doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc. Chi phí sản xuất các linh kiện rất cao do thuế và phí các loại cao vì không có ưu đãi; chi phí không chính thức cao; khấu hao nhiều do hầu hết máy móc mới đầu tư, sản xuất chưa tinh gọn nên lãng phí không tận dụng hết năng lực; phải nhập khẩu hầu hết đầu vào.

Cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ “không chịu lớn”, bà có tán thành không?

Phải khẳng định rằng không ai muốn mình yếu kém cả nên không thể nói các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không chịu lớn được. Họ sẵn sàng nắm lấy cơ hội nếu có. Tôi cho rằng, người dám dấn thân vào ngành này đều có nghị lực rất lớn, yêu nghề và theo đuổi đam mê.

Họ xác định và chấp nhận ngay từ đầu những khó khăn phải vượt qua, bởi đây là ngành cần rất nhiều thời gian và tiềm lực lớn nhưng lợi nhuận lại rất ít. Bản thân họ đang tự vượt lên để phát triển, bởi các hỗ trợ của Chính phủ về đất đai, công nghệ, nhân lực… hầu như các doanh nghiệp không tiếp cận được, nếu có cũng rất ít.

Cần bàn tay của Nhà nước

Vậy cần có những giải pháp gì để phát triển ngành này trong thời gian tới, thưa bà?

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến trên toàn cầu vẫn phức tạp như hiện nay, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ thị trường nội địa thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng. Công nghiệp hỗ trợ sẽ sớm phục hồi nếu doanh thu của công ty hạ nguồn ổn định trở lại như xe máy, điện tử, ô tô, máy nông nghiệp...

Do đó, Nhà nước cần ban hành các chính sách hỗ trợ tiêu dùng thông qua giảm, giãn các loại thuế phí trực tiếp ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm để khuyến khích người tiêu dùng mua hàng tại nội địa. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và tiếp cận các khách hàng tiềm năng tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu.

Liên quan đến công nghiệp hỗ trợ và khả năng chuyển sản xuất, mua hàng từ các công ty đa quốc gia có thể di dời khỏi Trung Quốc, Chính phủ cần có tiếp cận để đàm phán cụ thể về chuỗi cung ứng với các công ty đa quốc gia này. Đồng thời, có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp, liên danh công nghiệp hỗ trợ gồm các doanh nghiệp nhỏ, các cụm liên kết sản xuất hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi cho các công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới…

Cần nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhất thiết phải có bàn tay hữu hình của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách, tìm kiếm sản phẩm với lợi thế đầu tư cạnh tranh được. Chính phủ cần đứng ra kết nối các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển. Ngoài ra, cần giảm thủ tục hành chính hơn nữa, cắt bỏ các chi phí không chính thức. Đồng thời, thay đổi thái độ của đội ngũ công chức đối với doanh nghiệp trên tư tưởng đồng hành với doanh nghiệp chứ không phải là kiểm tra, giám sát.

Về dài hạn, cần phát triển các tập đoàn nội địa sản xuất sản phẩm cuối cùng, các tổ hợp doanh nghiệp, các cụm liên kết công nghiệp để làm chủ cuộc chơi công nghiệp chế tạo và có thể ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam khi cung ứng. Xây dựng chính sách phát triển các ngành vật liệu cho công nghiệp hỗ trợ như nhựa kỹ thuật, vải sợi, thép chế tạo.

Ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ hoặc Luật Công nghiệp để có thể thực hiện các nội dung trên. Đồng thời, luật cũng để khẳng định tầm quan trọng của loại hình công nghiệp này, từ đó có các chính sách chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia.

Ở góc độ doanh nghiệp họ phải nỗ lực ra sao, thưa bà?

Họ sẵn sàng đầu tư nếu có cơ hội nhưng quan trọng là phải có thị trường. Và chắc chắn, muốn tạo được giá trị gia tăng tốt doanh nghiệp sẽ cần phải tập trung đầu tư nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh và năng lực sản xuất, đổi mới thiết bị và công nghệ, có sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn bà!