Cần hình thành mạng an toàn tài chính để nâng cao hiệu quả giám sát
(Tài chính) Theo nhiều chuyên gia kinh tế tài chính, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu là do sự lỏng lẻo của hoạt động giám sát thị trường tài chính. Do vậy, đối với một thị trường tài chính còn non trẻ như Việt Nam, việc tăng cường công tác giám sát hệ thống tài chính càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Những năm gần đây, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng với phạm vi ngày càng lớn, mức độ tác động và tần suất ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các bất ổn đó là hoạt động giám sát tài chính còn yếu kém, không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các định chế tài chính và các công cụ tài chính. Đây là một lời cảnh báo rõ ràng đối với Việt Nam - một thị trường tài chính non trẻ, đang phát triển trong khi các công cụ và phương thức giám sát tài chính chưa hoàn thiện.
Ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, nhìn vào diễn biến trên thị trường tài chính Việt Nam, có thể thấy rằng, sau hơn hai thập kỷ cải cách tuy đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận nhưng vẫn tồn tại nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, là tiềm ẩn các rủi ro chéo giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các rủi ro mang tính hệ thống từ sự bất ổn của môi trường kinh tế vĩ mô cũng như từ các cú sốc bên ngoài.
Một báo cáo thuộc Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định, việc giám sát tài chính ở Việt Nam chủ yếu thiên về giám sát tuân thủ, trong khi các công cụ phục vụ cho giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính chưa hoàn thiện, nhất là giám sát dựa trên rủi ro. Giám sát rủi ro chéo với các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán còn lỏng lẻo do thiếu sự phối hợp, liên thông trong giám sát toàn bộ thị trường tài chính giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành…
Tại hội thảo - triển lãm Vietnam Finance 2013 với chủ đề “Tăng cường giám sát tài chính quốc gia: Giải pháp chính sách và công nghệ” mới đây do Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG Vietnam) tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cũng đã chỉ ra những điểm hạn chế của hệ thống giám sát tài chính ở Việt Nam, cụ thể:
Thứ nhất, hệ thống các công cụ giám sát tài chính đang trong quá trình hoàn thiện, cần phải tiếp tục có sự điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu phát sinh từ quá trình hội nhập và mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư với bên ngoài. Việc giám sát chủ yếu dừng ở giám sát tuân thủ, trong khi giám sát hiệu quả và giám sát cảnh báo sớm cần phải tiếp tục được hoàn thiện.
Thứ hai, hệ thống các chỉ tiêu giám sát tài chính công vẫn chưa bao quát hết các loại hình rủi ro liên quan, hệ thống thông tin phục vụ cho công tác giám sát vẫn còn chưa đầy đủ, phân tán và chưa được cập nhật thường xuyên. Công tác thống kê, hạch toán trong một số trường hợp chưa theo đúng các chuẩn mực quốc tế nên khó so sánh khi đánh giá mức độ rủi ro.
Thứ ba, công tác giám sát tuân thủ pháp luật trên thị trường chứng khoán trong một số nội dung còn chưa bao quát hết các vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn. Hoạt động giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính của các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn những điểm cần tiếp tục cải thiện.
Thứ tư, việc chia sẻ thông tin trong nội bộ từng ngành cũng như giữa các cơ quan chức năng còn có điểm hạn chế. Cơ cấu hệ thống giám sát tương đối hoàn chỉnh nhưng còn thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ phận, nhất là ở tầm vĩ mô, liên ngành.
Trong khi đó, theo TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hoạt động giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam hiện được thực hiện theo mô hình phân tán. Điều này đồng nghĩa, mô hình tổ chức, cơ chế giám sát của Việt Nam là phân tán nhưng rất chồng chéo. Mặt khác, cơ chế giám sát vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể: phương pháp giám sát hiện đại về hình thức song nội dung giám sát bị hạn chế do các chỉ tiêu giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu của chuẩn mực quốc tế; đội ngũ cán bộ mỏng và khả năng phân tích, đánh giá cũng như dự báo còn hạn chế; giám sát từ xa chưa gắn chặt với phân tích, xử lý thông tin; kiểm toán nội bộ chưa phát huy được vai trò, trong nhiều trường hợp là hình thức để hợp thức hóa; việc giám sát các lĩnh vực mới (rửa tiền, thanh toán điện tử…) chưa được thực hiện; sự phối hợp giữa 3 bộ phận giám sát (từ xa, tại chỗ và xử phạt) chưa đạt được sự đồng bộ, đặc biệt là chưa đảm bảo được sự độc lập của cơ quan giám sát. Hơn nữa, việc thực hiện giám sát tài chính vẫn chủ yếu thiên về giám sát tuân thủ, thiếu khuyết các công cụ hữu hiệu phục vụ cho giám sát an toàn vĩ mô, nhất là đối với giám sát dựa trên rủi ro. Các mô hình phân tích định lượng, cảnh báo, kiểm định rủi ro cho cả hệ thống tài chính nói chung và cho từng định chế tài chính còn ít được phát triển và ứng dụng nói riêng... Các lỗ hổng pháp lý trong giám sát hoạt động tài chính, vốn ngày càng gia tăng, đan xen lẫn nhau của các định chế tài chính, nhất là của các tập đoàn tài chính, cũng có xu hướng tăng và chưa được xử lý hữu hiệu.
Bên cạnh đó, TS. Trần Kim Chung cũng cho rằng, Việt Nam hiện vẫn chưa có một cơ quan giám sát tài chính vĩ mô có đủ thẩm quyền và năng lực bộ máy để có thể cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của hệ thống tài chính. Trên thực tế, bản thân vị thế pháp lý thấp của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng là một tác nhân gây nên sự phối kết hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, giám sát và hiệu quả thấp trong giám sát hệ thống tài chính.
Cần sớm hình thành Mạng an toàn tài chính
Thị trường tài chính Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào hệ thống kinh tế - tài chính khu vực và toàn cầu. Thách thức đối với giám sát tài chính ngày càng trở nên lớn hơn do sự gia tăng các công cụ tài chính (nhất là phái sinh), sự cải tiến không ngừng công nghệ thông tin - truyền thông, và quá trình tự do hóa kinh tế - tài chính. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu ban đầu trong nỗ lực giám sát tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, để việc giám sát đạt được hiệu quả cao, góp phần đảm bảo ổn định của hệ thống tài chính và tránh được những bất ổn cho nền kinh tế, thì còn rất nhiều việc phải làm.
Theo TS. Trần Kim Chung, cần xây dựng mô hình giám sát tài chính hợp nhất cho Việt Nam. Việc chuyển đổi từ mô hình giám sát phân tán hiện nay sang mô hình giám sát hợp nhất chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề luật pháp, nhân sự, kỹ thuật, tài chính… Do vậy, vấn đề quan trọng là cần có một lộ trình thích hợp cho việc chuyển đổi. Chia sẻ quan điểm này, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc củng cố và hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính hợp nhất ở nước ta là một yêu cầu cấp thiết, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là cần xây dựng một bộ chỉ tiêu phục vụ cho việc giám sát hợp nhất thị trường tài chính dựa trên các tiêu chí giám sát tài chính hiện đại đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Đặc biệt, TS. Trần Kim Chung kiến nghị cần sớm chính thức hoá khái niệm Mạng an toàn tài chính trong các văn bản pháp luật. Đồng thời, cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các thành viên Mạng an toàn tài chính và cơ chế phối hợp giữa các thành viên mạng an toàn tài chính trong một đạo luật cụ thể. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tạo điều kiện các cơ quan trong mạng an toàn tài chính phối hợp thực hiện giám sát và cảnh báo sớm khủng hoảng. Mục đích căn bản của hệ thống thông tin giám sát tài chính là đảm bảo cơ sở dữ liệu giám sát hiệu quả trên cơ sở xây dựng, truyền nhận, lưu giữ, xử lý và khai thác thông tin (dữ liệu, báo cáo, hệ thống các chỉ tiêu… giám sát tài chính) hỗ trợ hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia nhằm góp phần đảm bảo cho sự ổn định của hệ thống tài chính, sự an toàn và lành mạnh của các định chế tài chính, bảo vệ người tiêu dùng va hiệu quả của hệ thống tài chính.
Duy trì ổn định tài chính không phải và không thể là nhiệm vụ hay trách nhiệm của riêng một cơ quan Nhà nước nào mà đòi hỏi nỗ lực chung của nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau. Do đó, tới đây, cần tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan giám sát với nhau nhằm giảm thiểu những kẽ hở giám sát. Một số ý kiến cũng cho rằng, các cơ quan giám sát cần ký kết một bản ghi nhớ về chia sẻ lao động và hợp tác trong việc giám sát tài chính. Đồng thời, cần tiếp tục phân định rành mạch hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên chính trong mạng an toàn tài chính quốc gia (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) cũng như quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan này.