Cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể về kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ODA
Kiểm toán các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) - một loại hình đặc thù trong kiểm toán dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) công trình của Kiểm toán nhà nước (KTNN) - ngày càng trở nên quan trọng, nhất là với những dự án lớn, trọng điểm quốc gia.
Kiểm toán các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) - một loại hình đặc thù trong kiểm toán dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) công trình của Kiểm toán nhà nước (KTNN) - ngày càng trở nên quan trọng, nhất là với những dự án lớn, trọng điểm quốc gia.
Cơ chế, chính sách và các đặc thù riêng gây khó khăn cho kiểm toán
Theo ThS. Vũ Duy Bắc (KTNN chuyên ngành IV), khi kiểm toán các dự án sử dụng vốn ODA, đoàn kiểm toán về cơ bản đã đạt được các mục tiêu về xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo quyết toán của Chương trình, dự án; đánh giá việc tuân thủ pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn đối ứng; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý và sử dụng vốn của Chương trình, dự án. Phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ ra được các hạn chế để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý và hoạt động của đơn vị, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn đối ứng còn bất cập.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kiểm toán, các kiểm toán viên (KTV) thường gặp khó khăn trong công tác xác định định mức, đơn giá của các thiết bị đặc chủng, công nghệ thi công mới. Việc kiểm toán các hiệp định vay, hợp đồng cho vay lại mới chỉ dừng ở một số nội dung kiểm toán tuân thủ. Các báo cáo kiểm toán chưa thực hiện đánh giá tính hợp lý và sự cần thiết của khoản vay, tiến độ giải ngân, phương thức giải ngân, việc miễn, giảm thuế hay một số ưu đãi trong công tác lựa chọn nhà thầu và cung cấp thiết bị. Hầu hết các dự án ODA do KTNN thực hiện đều không kiểm toán chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư nên không đủ cơ sở để đánh giá dự án một cách toàn diện.
Dự án sử dụng nguồn vốn ODA có nhiều đặc điểm riêng như: Tập trung vào những lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, y tế, dân số và phát triển, giao thông, thông tin liên lạc, năng lượng, cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường… Quá trình thực hiện dự án ODA phải tuân thủ luật pháp nước sở tại và những điều kiện đã thỏa thuận với nhà tài trợ. Vốn ODA có thời gian cho vay, ân hạn dài, lãi suất thấp.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do mỗi dự án sử dụng vốn ODA lại có đặc thù riêng về nội dung, tính chất, đặc điểm, nguồn vốn, quy định… Mỗi lĩnh vực mà dự án được triển khai có những đặc thù nhất định và tính phức tạp riêng, phát sinh nhiều loại nghiệp vụ và rủi ro khác nhau. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung này cũng không có tính ổn định, thiếu các hướng dẫn cụ thể. Điều này đòi hỏi KTV phải hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế, từng lĩnh vực hoạt động của dự án để xác định được các trọng yếu, rủi ro, hướng kiểm tra. Hơn nữa, cơ chế, chính sách của Việt Nam so với các nhà tài trợ cũng là một rào cản lớn trong việc thực hiện kiểm toán.
Trong khi đó, thời gian khảo sát của các đoàn kiểm toán thường ngắn, trang bị phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và công cụ phục vụ, hỗ trợ kiểm toán chưa đáp ứng được thực tiễn. KTV thường phải rất thận trọng, tốn nhiều thời gian, công sức và nghiệp vụ kiểm toán để xác nhận tính đúng đắn, trung thực và hợp lý của báo cáo quyết toán vốn đầu tư ODA. Hướng dẫn kıểm toán dự án ĐTXD công trình của KTNN được ban hành chưa có yêu cầu cụ thể các bước kiểm toán đối với dự án sử dụng vốn ODA, đặc biệt là một số nội dung đặc thù của ODA. Vì vậy, các KTV gặp khó khăn khi vận dụng trong quá trình chuẩn bị và thực hiện kiểm toán, phần nào ảnh hưởng đến kết quả của cuộc kiểm toán.
Thiết lập hệ thống thông tin và quy trình kiểm toán chi tiết các dự án ODA
Để khắc phục được hạn chế trên, ThS. Vũ Duy Bắc và ThS. Lê Đức Thọ (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) cho rằng, KTNN cần thiết lập hệ thống thông tin về các dự án ODA và được cập nhật thường xuyên giúp các KTNN chuyên ngành, khu vực chủ động lựa chọn đầu mối kiểm toán theo mục tiêu hằng năm của KTNN. Đồng thời, xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán phù hợp với chuẩn mực kiểm toán quốc tế; ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về kiểm toán dự án ODA với các quy định cụ thể về hồ sơ, tài liệu, bằng chứng kiểm toán, tài liệu làm việc của KTV cần thu thập và lưu trữ.
Trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, các KTV cần chú trọng khảo sát, thu thập thông tin, phân tích dữ liệu về môi trường pháp lý và hiệu lực hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án. Các đoàn kiểm toán bố trí một cách hợp lý cả về tổng số và cơ cấu KTV thực hiện các nội dung kiểm toán dự án ODA; tăng cường thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác soát xét của các cấp, các khâu để phát hiện ra các kết luận, kiến nghị kiểm toán không hợp lý.
Các KTNN chuyên ngành, khu vực và các Vụ tham mưu cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán dự án ODA, cũng như hoàn thiện các quy định, chuẩn mực, quy trình kiểm toán áp dụng cho kiểm toán dự án sử dụng nguồn vốn ODA; rà soát, nâng cấp phần mềm kiểm toán dự án đầu tư để tăng tính năng trong thực hiện kiểm toán dự án ODA và có thêm các quy định ràng buộc của nhà tài trợ. Ngoài ra, KTNN và các chuyên ngành, khu vực cần tổ chức các lớp tập huấn về sổ tay, hướng dẫn kiểm toán các dự án ODA, cập nhật những thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước về công tác quản lý các dự án ODA để phổ biến, hướng dẫn các KTV nắm bắt các nội dung cơ bản khi thực hiện kiểm toán các dự án ODA./.