Cần lập “hàng rào” pháp lý chặn rủi ro tiền ảo
Với diễn biến và tính phức tạp của tiền ảo hiện nay, đại diện ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái khẳng định, giao dịch mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, hệ lụy khó lường đối với người dân và không được pháp luật bảo vệ. Bởi vậy, NHNN tiếp tục khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Bitcoin là đồng tiền ảo được biết đến rộng rãi nhất hiện nay, với giao dịch khá sôi động. Tuy nhiên đa phần các nước đều có quan điểm thận trọng, không khuyến khích việc sử dụng, nắm giữ bitcoin và các tiền ảo tương tự khác do có thể xảy ra khả năng lạm dụng đồng tiền ảo ẩn danh này cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và các mục đích xấu khác như tội phạm, trốn thuế, lừa đảo…
Đến thời điểm này, các căn cứ pháp lý đều khẳng định đồng bitcoin không phải là tiền hợp pháp và đương nhiên sẽ không được coi là phương tiện thanh toán. NHNN đã nhiều lần lên tiếng khẳng định nếu sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật. LS. Trương Thanh Đức đánh giá quan điểm của NHNN là hoàn toàn hợp lý vì quy định pháp luật không cho phép.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, Điều 6 Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005, khoản 2, Điều 17, Luật NHNN năm 2010; khoản 1, Điều 4, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005; các khoản 6,7, Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt thì phương tiện thanh toán bao gồm hai loại tiền mặt và không bằng tiền mặt.
Tiền mặt gồm tiền giấy, tiền kim loại do NHNN phát hành và ngoại tệ được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực. Các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN.
Cũng viện dẫn Luật, LS. Trương Thanh Đức cho biết, theo định nghĩa của Bộ luật Dân sự năm 2015 có 4 loại tài sản gồm: vật, tiền tệ, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Phân tích đặc tính của loại tiền ảo này, LS. Đức cho rằng, bitcoin không phải là vật, tiền tệ hay giấy tờ có giá mà chỉ có thể là quyền tài sản, tức là tài sản ảo, vô hình.
Dưới dạng là một loại tài sản thì đồng tiền này chỉ được phép mua bán, tặng cho, trao đổi… đối với các loại tài sản khác theo quy định tại Điều 455 về “Hợp đồng trao đổi tài sản” của Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì vậy, LS. Đức khẳng định, khi pháp luật chưa thừa nhận bitcoin là một đồng tiền hay phương tiện thanh toán nói chung, hay như để thanh toán học phí nói riêng thì việc các cá nhân hay pháp nhân sử dụng vào việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ bất hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 96.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng đối với cá nhân.
Riêng đối với tổ chức vi phạm còn bị phạt gấp hai lần số tiền này. Từ năm 2018 trở đi, nếu các TCTD sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi phạm vào tội “vi phạm quy định trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” theo quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Với diễn biến và tính phức tạp của tiền ảo hiện nay, đại diện NHNN tái khẳng định, giao dịch mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, hệ lụy khó lường đối với người dân và không được pháp luật bảo vệ. Bởi vậy, NHNN tiếp tục khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Hiện tại, các bộ, ngành đang chủ động triển khai nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Bộ Tư Pháp sẽ chủ trì để xây dựng khung pháp lý quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo với tư cách là tài sản trong thời gian tới.
Về phía mình, đại diện NHNN cho biết, NHNN sẽ tiến hành theo dõi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam đề xuất các biện pháp và chính sách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quản lý đối với tiền điện tử cũng như phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành để đề xuất biện pháp quản lý phù hợp đối với tài sản ảo, tiền ảo trong thời gian tới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.