Cần lộ trình bỏ quỹ bình ổn xăng dầu
Nếu không đáp ứng được đồng thời cả 2 mục tiêu bình ổn giá và minh bạch thông tin thì không nên giữ lại quỹ bình ổn giá xăng dầu mà cần xây dựng một cơ chế bình ổn khác.
Ban Soạn thảo Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi) đang lấy ý kiến về việc sửa đổi các quy định sau hơn 5 năm có hiệu lực (từ ngày 1/11/2014). Trong đó, thống nhất quan điểm giữ nguyên quỹ bình ổn giá xăng dầu (gọi tắt là BOG) trong bối cảnh vẫn cần bàn tay nhà nước điều tiết giá xăng như hiện nay.
Cam kết minh bạch?
Lý do giữ quỹ BOG trong điều hành giá xăng dầu, mặc dù đã có rất nhiều ý kiến đề nghị loại bỏ, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương (thành viên ban soạn thảo), cho rằng trong thời gian qua, quỹ BOG đã thực hiện tốt vai trò là van điều tiết giá xăng, tránh được nhiều trường hợp tăng sốc, góp phần ổn định nhiều chỉ tiêu kinh tế.
"Hơn nữa, trong 8 quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 83, có 2 quan điểm xuyên suốt là vận hành nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước và khẳng định xăng dầu là mặt hàng quan trọng với an ninh năng lượng, sản xuất tiêu dùng, cần kiểm soát giá theo Luật Giá" - ông Đông giải thích và cho rằng nếu không giữ quỹ BOG, sẽ không còn công cụ để điều tiết giá xăng dầu.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận quỹ BOG cũng bộc lộ nhiều bất ổn về việc làm méo mó nhịp điều tiết của thị trường và gây ra nghi vấn thiếu minh bạch khi người dân phải trả thêm 300 đồng/lít xăng dầu để dự trữ. Phản hồi thắc mắc này, ông Đông khẳng định ban soạn thảo sẽ thiết kế một mục riêng về quỹ BOG với các nội dung làm thế nào để sử dụng công khai, minh bạch, hiệu quả hơn, bám sát với giá thế giới cũng như chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, tăng trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) trong sử dụng quỹ BOG.
"Chúng tôi cũng sẽ đưa ra cơ chế xử lý quỹ âm như thế nào, mặc dù tình huống này không thường xuyên xảy ra. Theo đó, có thể yêu cầu DN gửi quỹ vào ngân hàng với kỳ hạn 1 tháng và phải công khai con số đầy đủ sau mỗi tháng. Ngân hàng phải có trách nhiệm cho vay trong tình huống quỹ âm cũng với thời hạn 1 tháng" - ông Đông thông tin.
Tuy nhiên, ở góc độ DN, không nhiều đầu mối bày tỏ ủng hộ quan điểm đồng tình giữ quỹ BOG, do bản thân DN không bị thiệt hại nhưng cũng không có lợi ích gì trong cơ chế điều hành giá xăng dầu với quỹ BOG. Chưa kể, DN cũng gặp không ít phiền toái trong thủ tục vay ngân hàng khi quỹ bị âm để duy trì mức xả quỹ theo quy định của nhà nước trong những thời điểm cần thiết. Nếu Chính phủ vẫn thông qua giữ quỹ BOG thì các DN sẽ chấp hành để điều tiết giá cho người tiêu dùng nhưng thực chất đó chỉ là khoản tiền người dân đóng vào trước rồi dùng sau.
Một đầu mối xăng dầu cho rằng nên tiến tới loại bỏ quỹ BOG để đưa giá xăng về gần với thị trường hơn, cũng là để "đánh tan" nghi ngờ của người dân về việc DN mập mờ trong giữ quỹ.
Dần "buông" kiểm soát
Không thể phủ nhận thời điểm ban hành Nghị định 83, thị trường xăng dầu Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế với nhịp điệu lên xuống giá cả bất ổn. Do đó, thông qua quỹ BOG và các tác động kỹ thuật khác của nhà nước mà giá xăng dầu trong nước phần nào được bình ổn. Nhưng khi điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi, nhất là khi nguồn cung xăng dầu trong nước ngày càng tăng, việc sửa đổi một số nội dung quan trọng, trong đó có quỹ BOG, cần được đặt ra.
PGS.,TS. Bùi Xuân Hồi, giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế Công nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng điều mà xã hội quan tâm là sự công khai, minh bạch của quỹ từ dòng ra, dòng vào, giá trị quỹ, cơ chế quỹ… Chỉ khi trong nghị định sửa đổi, vấn đề công khai, minh bạch của quỹ được giải quyết thì việc giữ lại quỹ mới đáp ứng 2 mục tiêu là bình ổn giá và minh bạch thông tin điều hành của nhà nước liên quan tới quỹ. Còn vẫn với cách làm như hiện nay thì không nên giữ lại quỹ mà cần xây dựng một cơ chế bình ổn khác.
PGS.,TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển - Trường đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh với khả năng tự chủ đến 70%-75% nguồn cung xăng dầu và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ, rõ ràng giá xăng dầu Việt Nam không còn phụ thuộc vào nhịp điệu khó dự báo của thế giới. Hơn nữa, hàng loạt hiệp định thương mại với cam kết cắt giảm thuế suất từ nhiều thị trường nhập khẩu xăng dầu cũng sẽ khiến giá xăng dầu "dễ thở" hơn.
Như vậy, áp lực bình ổn giá đã nhẹ đi phần nào. "Lập tức có thể chưa bỏ ngay quỹ BOG do cần sự chuyển đổi dần dần để người tiêu dùng làm quen nhưng cần tính đến việc tiến tới loại bỏ vì nó đang trở nên lạc hậu. Thời điểm nào có thể bỏ thì cần xem xét kỹ. Theo đó, khi nguồn cung xăng dầu trong nước tăng hơn nữa, điều kiện cho phép nhiều đầu mối xăng dầu tham gia thị trường hơn… cũng là lúc có thể bỏ quỹ BOG" - ông Đào góp ý.