GS.,TS. Trần Thọ Đạt:

Cần lưu ý tác động đầy đủ của việc tăng giá điện và xăng dầu tới nền kinh tế


Trước diễn biến giá xăng dầu tăng, kết hợp với điều chỉnh tăng giá điện thời gian qua đã làm dấy lên mối lo ngại áp lực trong kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề là 4%. GS.,TS. Trần Thọ Đạt - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ có những phân tích cụ thể về nội dung liên quan.

GS.,TS. Trần Thọ Đạt
GS.,TS. Trần Thọ Đạt

Đánh giá việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% và các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác trong bối cảnh mới hiện nay, GS.,TS. Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, áp lực kiểm soát lạm phát hiện tại là rất lớn và là một biến số vĩ mô đáng quan tâm nhất của năm 2019 trong bối cảnh hiện nay.

“Nếu như việc tăng giá điện đã được lượng hóa thì giá xăng dầu vẫn đang là một ẩn số trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay. Giá xăng dầu chỉ trong mấy tháng qua đã tăng mạnh, vượt qua dự báo của nhiều tổ chức càng cho thấy không thể chủ quan và lơ là áp lực lạm phát” - GS.,TS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

Theo GS.,TS. Trần Thọ Đạt, hiện Bộ Tài chính cũng đã tính tới các kịch bản CPI năm 2019 với các giả thiết diễn biến giá xăng dầu thế giới ở các mức độ tăng khác nhau, với kịch bản tăng cao nhất cũng chỉ là 15% (và CPI sẽ ở mức 3,8-3,9). Kịch bản này đã được xây dựng khá khoa học, tuy nhiên, thị trường xăng dầu thế giới trong thời gian qua liên tục có những diễn biến khó lường. Giá xăng dầu đến nay đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm đã tạo áp lực không nhỏ đến kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, còn có các yếu tố tác động đến lạm phát như giá dịch vụ đào tạo, nhất là dịch vụ giáo dục đại học khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1 tháng 7, giá dịch vụ y tế từ đầu năm đến nay mới tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, trong khi tỷ trọng sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao, dịch vụ y tế tư nhân tăng cũng sẽ làm cho giá dịch vụ y tế tăng. 

GS.,TS. Trần Thọ Đạt cho rằng, những lo ngại về lạm phát tăng tốc do giá xăng và giá điện cùng tăng mạnh trong thời gian qua đã gây áp lực đến tỷ giá. Tỷ giá VND/USD khá ổn định từ mấy năm trước, nhưng trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá tăng cũng sẽ làm cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng và tác động trở lại CPI.

Kèm theo đó, các mặt hàng như điện và xăng là các đầu vào cơ bản của nền kinh tế, khi giá tăng mạnh sẽ tác động tựa như một "cú sốc cung", kéo giảm sản lượng và giảm tăng trưởng GDP.

Theo GS.,TS Đạt, để đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng một cách hợp lý, cần tính đến tác động đầy đủ của việc tăng giá điện và xăng dầu tới nền kinh tế. Các bộ, ngành chức năng cũng cần tính đến các giải pháp về thuế, phí đối với mặt hàng xăng, dầu (như: thuế tiêu thụ đặc biệt, lợi nhuận định mức...). Đối với mặt hàng điện, cũng cần phải được nghiên cứu, tính toán lại khung giá điện hợp lý, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Các tác động gián tiếp của việc tăng giá này sẽ tiếp tục phân bổ ít nhất vào các tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Điều này cũng đã bắt đầu phản ánh ở CPI tháng 4 tăng 0,31% so với tháng 3 (trong khi CPI của tháng 3 giảm 0,21% so với tháng trước). Việc tăng giá xăng và điện sẽ có những nhóm ngành bị ảnh hưởng mạnh và ngay lập tức, nhưng có những nhóm ngành bị ảnh hưởng ít trong vòng đầu, tuy nhiên lại chịu ảnh hưởng nhiều trong những vòng sau".

GS.,TS. Trần Thọ Đạt.