Cần nghị quyết mới về cải thiện môi trường kinh doanh

Theo daibieunhandan.vn

Theo TS Nguyễn Đình Cung, cần nghiên cứu ban hành một nghị quyết mới, tiếp nối tinh thần Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với một lộ trình cho 3-5 năm tới. Nghị quyết này cần có tính toàn diện, với cơ chế đánh giá và phân định trách nhiệm rõ ràng, khả thi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đi cùng với đó, tiếp tục hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, kiên quyết cụ thể hóa tư duy không hạn chế quyền tự do kinh doanh bằng việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.

Quý I: Kinh tế suy giảm

Quý I vừa qua chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế khi độ tăng GDP đạt 5,46%, thấp hơn con số 6,02% của Quý I.2015. Trong các nguyên nhân dẫn đến suy giảm có suy giảm kinh tế thế giới và khu vực, tính bất định của dòng vốn đầu tư vào các thị trường đang phát triển và mới nổi.

Mặt khác, suy giảm kinh tế trong quý I cũng cho thấy quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam còn thiếu động lực vững chắc. Khu vực doanh nghiệp còn thiếu sức sống, do khó khăn về đầu ra cũng như gia tăng chi phí đầu vào.

Đáng chú ý, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) toàn ngành quý I tăng 6,3%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Các chuyên gia cho rằng, suy giảm sản xuất và giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp trong quý I có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như sản lượng dầu thô khai thác giảm 3,7%; doanh nghiệp có thể gặp khó khăn liên quan đến chi phí hoạt động, trong đó có lãi suất vay ít giảm và tăng chi phí liên quan đến lao động, giá cả của một số dịch vụ đầu vào có xu hướng tăng giá. Triển vọng tăng trưởng công nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng bất lợi từ sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới, đặc biệt là khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc và sự thiếu vắng các chính sách cụ thể nhằm kích thích khu vực công nghiệp.

Theo đánh giá của TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, dù kinh tế quý I tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng qua các dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước gần đây vẫn thấy được bức tranh kinh tế còn những mặt tích cực, nhất là khi đặt trong bối cảnh tăng trưởng và phục hồi yếu ớt của kinh tế toàn cầu.

“Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang đối diện nhiều vấn đề màđến lúc chúng ta cần thẳng thắn mổ sẻ, cắt lát một cách sâu sắc và cụ thể hơn. Điều này rất cần thiết bởi nền kinh tế của chúng ta đang trong trạng thái chuyển đổi và quá trình chuyển đối ấy không dễ dàng chút nào so với những mong muốn của chúng ta. Việc có đến hơn 20 nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản trong quý I vừa qua là quá nhiều, làm mất đi một phần nguồn lực, động lực của nền kinh tế. Có thể thấy rằng, doanh nghiệp khó, ngân hàng khó, quản lý nhà nước cũng khó,” TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Tập trung cải cách môi trường kinh doanh nhất quán và mạnh mẽ hơn

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị, trong quý II này, cần nghiên cứu ban hành một Nghị quyết mới, tiếp nối tinh thần Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với một lộ trình cho 3-5 năm tới. Nghị quyết này cần có tính toàn diện, với cơ chế đánh giá và phân định trách nhiệm rõ ràng, khả thi.

Đi cùng với đó, tiếp tục hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Kiên quyết cụ thể hóa tư duy không hạn chế quyền tự do kinh doanh bằng việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, các điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền; đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh còn lại.

Cần hoàn tất rà soát và đề ra biện pháp bãi bỏ các điều kiện chuyên ngành liên quan đến đăng ký kinh doanh và thương mại ngay trong quý II. Rà soát và xây dựng lộ trình giảm dần các đối xử mang tính phân biệt, khác biệt có thể ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước.

Về chính sách tiền tệ, ông Cung cho rằng, chính sách tiền tệ tới đây cần tiếp tục điều hành thận trọng, gắn với neo kỳ vọng lạm phát để doanh nghiệp yên tâm hơn trong quyết định đầu tư dài hạn. Cần mạnh dạn kiến nghị không thực hiện kích thích tăng trưởng thông qua tiền tệ bằng mọi giá.

Đồng thời, tiếp tục dành ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành cơ bản tái cơ cấu các ngân hàng thương mại; bãi bỏ, thu hẹp các biện pháp phân biệt và khác biệt, và lãi suất ưu đãi giữa các ngành nghề do các gói tín dụng khác nhau bởi thực tế các gói này gây ra tình trạng phân mảnh tín dụng, hạn chế dòng tín dụng từ những ngành, lĩnh vực kém hiệu quả dịch chuyển sang các ngành, lĩnh vực có dự án tốt nhất.

Đốivớichính sách tài khóa, TS Lưu Bích Hồ cho rằng, tinh thần tăng thu để giảm thâm hụt ngân sách là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần tính toán tăng thu thế nào bảo đảm đúng chất lượng và tính hợp lý của thu là rất quan trọng, gắn liền với khoan thư sức chịu đựng của doanh nghiệp, nền kinh tế. Đi cùng với đó, đương nhiên phải cương quyết cắt giảm chi. Cắt giảm này sẽ đau nhưng không làm thì không cải thiện được về cơ bản. Để cắt giảm chi thì một trong những vấn đề mấu chốt là phải chấn chỉnh, tinh gọn được bộ máy quản lý.

“Nếu bộ máy vẫn giữ nguyên, lương lại muốn tăng thêm và các khoản chi thường xuyên khác vẫn ở mức cao thì sẽ chẳng có cách gì thay đổi được.Vấn đề ngân sách, bộ máy rất gắn với nhau và đây là điều chúng ta cần và có thể đột phá được. Do đó, cần xem đây là một khâu then chốt phải giải quyết. Điều này vừa giúp ngân sách bớt căng thẳng hơn, vừa giúp bộ máy tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn. Rộng ra thì điều này giúp nâng cao năng lực quản lý và cạnh tranh của cả nền kinh tế,” TS Hồ lưu ý.

Trong chính sách thương mại, TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ chi phí liên quan đến hoạt động thương mại và sản xuất để giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.

Kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng và hiệu quả hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Cần tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu gắn với yêu cầu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường hoặc các tiêu chuẩn kỹ thuật.