Doanh nghiệp kỳ vọng nhiều vào cuộc đối thoại với Thủ tướng

Theo chinhphu.vn

Cộng đồng DN mong muốn Chính phủ có một chương trình hành động để thúc đẩy phát triển khu vực DN, đồng thời khôi phục, duy trì niềm tin của cộng đồng DN thông qua việc kiên định duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng để mức lạm phát năm tới không vượt qua 4%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trong bản tin trưa của kênh VTV1 phát sóng ngày 20/4. Ông Vũ Tiến Lộc cho biết cộng đồng doanh nghiệp (DN) hết sức vui mừng vì Thủ tướng Chính phủ đã quyết định có một cuộc đối thoại với cộng đồng DN và rất hy vọng cuộc đối thoại này sẽ diễn ra thường xuyên hằng năm. Theo yêu cầu của Thủ tướng, VCCI đang tập hợp ý kiến DN và các ý kiến được ông Lộc đánh giá là “khá tập trung”.

Cụ thể, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ có một chương trình hành động để thúc đẩy phát triển khu vực DN trong cả nhiệm kỳ. Việc đầu tiên mà DN mong muốn là Chính phủ khôi phục, duy trì niềm tin của cộng đồng DN thông qua việc kiên định duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng để mức lạm phát năm tới không vượt qua 4% theo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của Quốc hội.

Sau đó, Chính phủ cần triển khai một chương trình đồng bộ thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện đúng chương trình hành động đã đề ra để làm sao trong thời gian tới Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất trong các nước ASEAN.

Người đứng đầu VCCI cho biết, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ đẩy mạnh việc giám sát, thúc đẩy Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và cũng trình sớm với Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Ông Lộc cho rằng những biện pháp cải cách thủ tục hành chính là rất quan trọng trong giai đoạn tới để giảm chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, kể cả chính thức và phi chính thức.

Đồng thời, cộng đồng DN cũng mong muốn Chính phủ có biện pháp thúc đẩy tái cấu trúc, nâng cao hoạt động của hệ thống ngân hàng, hướng mạnh được nguồn vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh và giảm được lãi suất cho vay đối với DN.

Ngoài ra, nhiều DN cũng cho rằng chính sách thuế cần được điều chỉnh nhằm khuyến khích DN liên kết theo mạng, chuỗi để lớn lên. Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ ưu đãi để hộ kinh tế gia đình chuyển thành DN, hoạt động trong khu vực kinh tế chính thức. DN cũng mong muốn Chính phủ triển khai thúc đẩy phát triển DN, hạ chi phí kinh doanh và có thêm những biện pháp hỗ trợ DN hội nhập quốc tế.

Để thúc đẩy phát triển DN, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng Chính phủ có vai trò như "bà đỡ", tạo khung khổ môi trường và điều kiện, còn bản thân DN phải tự nâng cao nội lực của mình. Ngoài ra, vai trò của VCCI và các hiệp hội cũng rất quan trọng trong việc tạo liên kết, hỗ trợ DN về thông tin, tư vấn, đào tạo, xúc tiến thương mại đầu tư... Ngoài ra, VCCI và các hiệp hội cần có thêm nhiều hiến kế, tham mưu để Chính phủ có giải pháp thúc đẩy phát triển DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong những năm tới, ông Vũ Tiến Lộc cho biết một trọng tâm của VCCI sẽ là phối hợp với các hiệp hội phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn cho DN hội nhập.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tổ chức Hội nghị với DN năm 2016 vào ngày 29/4 tới với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

Hội nghị đưa ra thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các DN phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nội dung đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN.