Cải thiện môi trườn kinh doanh: Vẫn là nhiệm vụ cốt lõi

PV.

Đầu năm 2016, tin vui đã đến với Việt Nam, khi Ngân hàng Thế giới xếp hạng mức độ cải thện môi trường kinh doanh Việt Nam đã tăng thêm 03 bậc (từ 93 lên 90). Kết quả xếp hàng này dù chưa có sự đột phá nhưng sự ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh.

Chỉ số được cải thiện

Đất nước đã hội nhập sâu rộng, thực hiện cơ chế thị trường ngày càng đầy đủ, vấn đề môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có ý nghĩa hết sức quyết định cho tăng trưởng bền vững, cho cạnh tranh hiệu quả.

Ý thức sâu sắc điều này trong những năm gần đây Chính phủ đã có nhiều quyết tâm được biến thành hành động để mang lại những chuyển biến tích cực cho môi trường kinh doanh Việt Nam. Ghi nhận những nỗ lực này không chỉ với cộng đồng trong nước mà giới đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá cao.

Báo cáo về kết quả triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015 được công bố đầu năm 2015 cho thấy có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực trong môi trường kinh doanh của Việt Nam cùng những nỗ lực từ Chính phủ đến các bộ, ngành. Ghi điểm cao trong cải cách là các lĩnh vực khởi sự kinh doanh, hải quan, nộp thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng…

Cụ thể, lĩnh vực khởi sự kinh doanh tăng 3,57 điểm phần trăm; việc tiếp cận điện năng đạt mức tăng 6,44 điểm phần trăm; Tiếp cận tín dụng tăng 5 điểm. Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội cải thiện 4 bậc, từ vị trí 172 lên vị trí 168, nhờ cắt giảm 40 giờ nộp thuế và 62 giờ nộp bảo hiểm xã hội; Giải quyết phá sản doanh nghiệp vẫn ở vị trí thấp (123/189 nền kinh tế)… Những nỗ lực này đã góp phần quan trọng đưa thứ hạng của Việt Nam tăng 3 bậc từ vị trí 93 lên vị trí 90.

Đặc biệt, Ngân hàng Thế giới đã có những đánh giá cao khi Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật đi vào thực thi từ giữa năm 2015 nhưng nó đã giúp Việt Nam tăng hạng. Điều này sẽ được duy tri trong năm 2016, các chỉ số sẽ được xếp hạng tốt hơn.

Kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng ghi nhận tích cực của doanh nghiệp về những chuyển động mạch lạc và đúng hướng đang được bắt đầu ở một số bộ ngành và địa phương.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa trong môi trường kinh doanh.

Đánh giá cao những nỗ lực trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập. Trong thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân…

Vì vậy, việc tiếp tục quan tâm thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia luôn là một yêu cầu cấp bách đặt ra.

Cần quyết tâm cao độ hơn nữa

Cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà phải coi đó là một cuộc đua, nếu dừng lại là thụt lùi. Để luôn là người dẫn đầu cuộc đua, cần phát huy sức mạnh tổng hợp từ Chính phủ đến các cấp, các ngành.

Chính phủ tiếp tục xác định, năm 2016 và các năm tiếp theo tập trung thực hiện có hiệu quả công tác nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trước mắt, phấn đấu đưa chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4; đưa hoạt động khởi sự kinh doanh vào nhóm 60 nước đứng đầu, bảo vệ nhà đầu tư trong nhóm 50 nước đứng đầu, chỉ số tiếp cận tín dụng trong nhóm 30 nước đứng đầu. Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút thời gian nộp thuế và bảo hiểm bắt buộc xuống không quá 168 giờ trong mỗi năm..

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm: Việc cải cách thủ tục hành chính là mục tiêu quan trọng và liên tục, hướng tới việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh và phù hợp tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.

Để hoàn thành những mục tiêu trên, đòi hỏi đặt ra không chỉ trong năm 2016 mà còn cả trong nhiệm kỳ mới, với đội ngũ lãnh đạo mới cần có sự quyết tâm cao độ, phát huy hiệu quả sự phối hợp đồng bộ từ cấp điều hành vĩ mô đến cơ sở.

Thực hiện chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân.

“Khi môi trường kinh doanh được cải thiện, vai trò của Chính phủ sẽ được tập trung vào vấn đề quy hoạch và điều tiết nền kinh tế, tạo liên để tận dụng tối đa các lợi ích mà những hiệp định thương mại thế hệ mới đem lại, khi đó phát triển sẽ bền vững hơn” – TS. Kiêm nhấn mạnh.