Cân nhắc khi mua hàng trả góp

Theo Nguyễn Lương/ Báo Đắk Nông

Mua hàng trả góp giúp người thu nhập thấp có điều kiện sở hữu nhiều sản phẩm mong muốn. Tuy nhiên, hình thức mua hàng này cũng có những mặt không tốt, nên cần phải cân nhắc kỹ.

Thiết bị điện tử là mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn mua bằng hình thức trả góp nhiều nhất. Ảnh: Nguyễn Lương
Thiết bị điện tử là mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn mua bằng hình thức trả góp nhiều nhất. Ảnh: Nguyễn Lương

Chị Lê Hồng Thắm, phường Nghĩa Thành (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho hay, tháng 4/2022, gia đình chị xây được căn nhà. Sau khi xây nhà, tài chính eo hẹp, nên chị không đủ tiền để mua sắm các các trang thiết bị trong gia đình.

Qua giới thiệu, nghiên cứu, anh chị quyết định mua sắm đồ dùng theo hình thức trả góp ở các cửa hàng lớn. “Việc mua trả góp giúp gia đình tôi có thể trả dần hàng tháng trong một khoảng thời gian dài, đỡ áp lực về tài chính”, chị Thắm chia sẻ.

Không thể phủ nhận lợi ích mà mua hàng trả góp mang lại. Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ sẽ thấy nhiều gói trả góp không hề ưu đãi như lời quảng cáo.

Để thu hút khách hàng, tại một số nơi như: thế giới di động, điện máy xanh, cửa hàng xe máy, showroom ô tô... áp dụng hình thức cho vay trả góp với lãi suất dao động từ 0% - 50%/năm tùy vào giá trị mặt hàng.

Nhiều cửa hàng áp dụng lãi suất trả góp 0%, nhưng lại đẩy giá sản phẩm cao lên 10 - 20% giá trị thực. Trường hợp nếu khách hàng mua sản phẩm trả góp lãi suất 0% sẽ không được hưởng những ưu đãi mà những người mua trả trước được hưởng.

Đơn cử như mua điện thoại trả góp sẽ không được tặng phụ kiện là miếng dán màn hình, ốp lưng. Ngoài ra, nhiều nơi sẽ tính phí thu hộ, phí bảo hiểm hàng tháng, phí làm hồ sơ cũng như rút ngắn thời gian bảo hành của sản phẩm.

Khi đồng ý các điều khoản mà nhân viên tư vấn trả góp đưa ra, chỉ trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ, khách hàng sẽ được duyệt hồ sơ và sở hữu được sản phẩm theo nhu cầu của mình.

Thế nhưng, nhiều trường hợp lại không hiểu rõ hợp đồng, nhân viên tư vấn không đầy đủ sẽ dẫn đến sai hợp đồng, phát sinh thêm khoản tiền phạt không đáng có đối với khách hàng.

Trường hợp anh Nguyễn Minh Triệu, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) là một ví dụ. Đầu năm 2022, với số tiền tiết kiệm gần 200 triệu đồng, anh đã quyết định mua xe ô tô Huyndai Grand i10 bằng hình thức trả góp, với chi phí trả trước 30%.

Thời điểm anh mua, xe Grand i10 có giá 484 triệu đồng, anh trả trước 184 triệu đồng, số còn lại sẽ trả góp trong thời hạn 5 năm. Lãi suất 1 năm đầu là 7,9%, sang năm thứ 2 là 11,3%. Ngoài ra, anh còn phải gượng ép mua gói bảo hiểm 8 triệu/năm.

Sau một thời gian trả góp, anh muốn thanh toán một lần. Tuy nhiên, để thanh toán trước hạn, anh phải trả phí phạt trả trước là 3% trên nợ gốc còn lại. Như vậy, với mức lãi suất trên, sau khi trả hết nợ, số tiền chênh lên mà gia đình anh phải trả gần 77 triệu đồng so với giá trị thực của xe.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông, ngoài các ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, toàn tỉnh hiện có một số công ty tài chính đang hoạt động như: Home Credit, FE Credit, VP Bank.

Hình thức mua hàng trả góp thực chất là liên kết giữa các cửa hàng, siêu thị với một số công ty tài chính, ngân hàng để cho vay tín chấp.

Để bảo đảm quyền lợi, người dân nên thăm dò, so sánh kỹ giá sản phẩm, lãi suất của nhiều cửa hàng khác nhau. Khách hàng cần tính toán kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp, các chi phí phát sinh khi vi phạm hợp đồng.