Cần rút ngắn trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư công
Thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng 6/11 về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, việc triển khai các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc mà vấn đề lớn nhất là thời gian để thực hiện dự án. Do đó, các đại biểu đề nghị cần rà soát, điều chỉnh các quy định nhằm rút ngắn trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư công.
Đảm bảo thực hiện đúng mục đích dự án giải phóng mặt bằng
Theo đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, trong thời gian qua, việc triển khai, thực hiện các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc mà vấn đề lớn nhất đó là thời gian để thực hiện dự án. Hiện nay, các dự án đầu tư công được điều chỉnh bởi khá nhiều luật có liên quan, việc phối hợp xin ý kiến, thẩm tra, thẩm định làm cho thời gian kéo dài và việc chuẩn bị đầu tư này mất gần 2 năm. Đến khi thực hiện đầu tư công lại bị trượt giá và phải tiếp tục điều chỉnh các thủ tục, làm cho thời gian thực hiện của dự án còn lại không nhiều, mặc dù theo quy định mới thì dự án thuộc nhóm A là 6 năm, của nhóm B là 4 năm cũng rất khó để hoàn thành.
Do đó, Đại biểu cho rằng, việc tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi xây lắp trở thành dự án độc lập sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện và hoàn thành dự án đầu tư công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng vì được bố trí nguồn vốn và có quy trình, thủ tục riêng để thực hiện.
Để có giải pháp đồng bộ khi triển khai thực hiện, Đại biểu đề nghị quy định chi tiết trong dự thảo luật trình tự, thủ tục tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập hoặc giao Chính phủ quy định, nhằm tránh việc lợi dụng để thực hiện sai mục đích của dự án. Đồng thời, cần quy định định mức kinh tế - kỹ thuật đối với chi phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Đại biểu cũng kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án trong thời gian bố trí vốn đầu tư công đối với các dự án bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khách quan như thiên tai hay do công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, kéo dài để có đủ thời gian hoàn thành và kết thúc dự án. Cùng với đó, cần nghiên cứu, phân cấp công tác thẩm định dự án nhóm A và công tác kiểm tra, nghiệm thu đối với công trình cấp một cho cơ quan chuyên môn ở địa phương có dự án để rút ngắn thời gian thực hiện dự án này.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường - TP. Hà Nội cho rằng, để tránh tình trạng lạm dụng việc tách giải phóng mặt bằng xong để đất trống không sử dụng hoặc tách xong lại dùng vào mục đích khác khi việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đó không thuộc đối tượng được phép giải phóng mặt bằng, Đại biểu đề nghị trong dự thảo luật cần phải quy định cụ thể là người ra quyết định tách phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng đất sau khi giải phóng mặt bằng đúng mục đích như dự án ban đầu được đề xuất.
Có chế tài nếu chậm giải quyết các thủ tục
Cũng quan tâm đến vấn đề quy trình, thủ tục thực hiện đầu tư dự án, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng cũng đồng tình với việc cần rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án. Theo Đại biểu, hiện nay, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy thường mất nhiều thời gian, thủ tục, lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian. Một số thủ tục lại được quy định nhiều bước thực hiện như thủ tục xây dựng. Một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào các thủ tục khác.
Tính trung bình thời gian thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên tùy theo dự án, nhóm A, B hay C sẽ kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày mới khởi công xây dựng. Tức là từ khoảng hơn 8 tháng đến một năm mới hoàn thành. Khi dự án được chấp thuận chủ trương ở tháng 12 cuối năm tại kỳ họp Hội đồng nhân dân hoặc các kỳ họp khác hoặc là giữa năm sẽ có khó khả năng thực hiện trong việc giải ngân vốn đầu tư công của năm đó. Trên thực tế, thời gian thực hiện các thủ tục này còn có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan. Do đó, Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan.
Cùng quan điểm này, đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho rằng, để thực hiện theo trình tự đầu tư công thì không quá 130 ngày mới quyết định được chương trình đầu tư công, không quá 120 ngày mới quyết định được đầu tư dự án nhóm A và không quá 80 ngày mới quyết định được dự án nhóm B, nhóm C. Những quy định như trên là quá dài, làm chậm tiến độ triển khai các chương trình, dự án.
Do đó, Đại biểu đề nghị cần rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình, dự án và phê duyệt đầu tư chương trình, dự án thực hiện. Đồng thời, phân cấp phê duyệt đầu tư chương trình, dự án theo từng nhóm, loại dự án cho chính quyền địa phương các cấp để các chương trình, dự án được triển khai kịp thời hơn, hiệu quả hơn. Gắn với đó là bổ sung các chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị chậm giải quyết các khâu trong thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt đầu tư dự án.
Cũng cho rằng trình tự, thủ tục thẩm định và quyết định đầu tư cần được cải tiến để tăng tính hiệu quả, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Khánh Hoà nhấn mạnh, dự thảo nêu có mục tiêu đơn giản hóa quy trình phê duyệt các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể nhằm rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, dẫn đến việc nhiều dự án bị kéo dài thời gian triển khai do thủ tục đấu thầu phức tạp.
Đại biểu nêu, thực tế cho thấy, việc chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu không chỉ gây ra sự đình trệ cho các dự án mà còn làm tăng chi phí và giảm hiệu quả của các dự án đầu tư công. Do đó, Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc áp dụng các cơ chế đấu thầu rút gọn cho các dự án cấp bách và có quy mô nhỏ, giúp rút ngắn thủ tục hành chính và đảm bảo các dự án được triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn.