Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công phải đảm bảo khả thi, đồng bộ với các luật liên quan
Cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung luật phải bảo đảm khả thi, phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng bộ với các luật khác có liên quan, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước.
Cụ thể hoá nhiều nhóm chính sách
Tại phiên họp chiều ngày 9/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Luật gồm 07 chương, 116 điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 07 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn.
Trong đó, đối với nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng, Chính phủ đề xuất cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C).
Đồng thời, quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện được lựa chọn giao một UBND cấp dưới trực tiếp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền.
Liên quan đến nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Chính phủ đề xuất phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.
Dự thảo cũng quy định phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Chính phủ đề xuất phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương từ Thủ tướng Chính phủ cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp. Theo đó, đối với các dự án nhóm A, B, C có tổng mức đầu tư dưới 10 nghìn tỷ đồng thì gia hạn thời gian bố trí vốn không quá 01 năm, nhóm A từ 10 nghìn tỷ đồng đến dưới 30 nghìn tỷ đồng không quá 02 năm. Ngoài thời gian trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, dự thảo đề xuất cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án.
Đối với giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài), dự thảo luật đơn giản hóa nội dung liên quan đến Đề xuất dự án; bổ sung hoạt động lập Đề xuất dự án vào nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn cho nhiệm vụ lập Đề xuất dự án. Đồng thời, phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn nước ngoài...
Đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước
Thẩm tra dự án Luật Đầu tư công sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, liên quan đến tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất với đề xuất này.
Tuy nhiên, cần quy định đảm bảo việc giải phóng mặt bằng gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí đất đai và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 02 dự án độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá thời hạn quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công hiện hành.
Về thẩm quyền giao cơ quan chủ quản thực hiện dự án từ 2 đơn vị hành chính trở lên, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc đổi mới để tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, các nội dung này mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, áp dụng cho một số công trình, dự án cụ thể đến nay chưa có sơ kết, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng về tác động của chính sách trong thực tiễn nhất là năng lực triển khai thực hiện của địa phương. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động của từng chính sách bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn.
Liên quan đến phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương, vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương, thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị rà soát đề xuất chính sách, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Đồng thời, cần thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước và đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước trong dự án Luật sửa 7 luật, theo đó, Chính phủ đang đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành đối với vấn đề này.
Đối với nội dung về nâng quy mô vốn đầu tư công, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị rà soát, thống kê, đánh giá về số lượng dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng và trên 30.000 tỷ đồng trong thời gian vừa qua; đánh giá tác động khi tăng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, cần thuyết minh đầy đủ căn cứ xác định và đánh giá tác động của chính sách; đánh giá tác động kỹ về năng lực thực hiện của các địa phương; tránh việc phân cấp vượt quá khả năng thực hiện, gây thất thoát, không hiệu quả.
Trước đề xuất phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, đây là vấn đề quan trọng của địa phương. Do vậy, Luật Đầu tư công hiện hành quy định HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực. Nếu quy định Chủ tịch UBND các cấp vừa là người quyết định chủ trương đầu tư dự án vừa là người quyết định đầu tư dự án chưa bảo đảm tính khách quan...
Cho ý kiến về dự án Luật này, các uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật phải bảo đảm nâng cao hiệu quả và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; tập trung đổi mới phân công, phân cấp quyền hạn gắn với trách nhiệm trong việc xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn bảo đảm tính công khai minh bạch; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung luật phải bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng bộ với các luật khác có liên quan. Các chính sách mới được xem xét thận trọng trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tồn tại, hạn chế, làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Nhấn mạnh nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, việc sửa đổi Luật Đầu tư công phải đảm bảo khả thi, cần đánh giá đúng căn nguyên của tồn tại, hạn chế trong hoạt động đầu tư công hiện nay để đề xuất sửa đổi, giải quyết vướng mắc. Dự thảo Luật cũng cần được rà soát để phù hợp với luật khác, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả tránh thất thoát lãng phí.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia, các cơ quan, tổ chức có liên quan đảm bảo sự công phu, sự thận trọng, phù hợp với thực tiễn và tuân thủ các quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong dự án Luật này.