Cần sớm ban hành luật Chứng khoán sửa đổi

Theo Tạp chí Chứng khoán 1+2/2017

Năm 2016, bức tranh hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) có gam màu tươi sáng làm chủ đạo với 58/79 công ty hoạt động có lãi. Bước sang năm 2017, dự đoán nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, vậy các CTCK làm thế nào để duy trì “phong độ” và ngày càng phát triển hơn?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC) và ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc CTCK VNDIRECT đã có buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí Chứng khoán về những đóng góp của các công ty chứng khoán trong năm 2016 và chia sẻ những kế hoạch, dự định trong năm 2017.

Phóng Viên: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của các CTCK trong năm 2016? Những thuận lợi cũng như khó khăn trong năm qua?

Ông Nhữ Đình Hòa: Năm 2016, TTCK đã có một năm hoạt động sôi nổi, tôi cho rằng đó là điều kiện thuận lợi với các CTCK nói chung và BVSC nói riêng. Theo số liệu thống kê, giá trị giao dịch thị trường tăng trưởng 20% so với năm 2015; chỉ số VN Index và HNX Index đều tăng so với đầu năm, điển hình như VN Index tăng gần 15%. Tuy nhiên, các con số trên cũng không có tính đại diện cho tăng trưởng chung của toàn thị trường trong năm 2016 do ảnh hưởng của một số cổ phiếu không đại diện cho thị trường.

Đối với BVSC, sau giai đoạn hoàn thành khắc phục lỗ lũy kế, Công ty sẽ có những thay đổi trong chiến lược kinh doanh trong những năm tới đây và năm 2016 là năm khởi đầu để triển khai theo định hướng này. Nhìn tổng thể thì BVSC vẫn phát triển đồng đều các mảng hoạt động trụ cột là môi giới, tự doanh và tư vấn. Chúng tôi vẫn duy trì vị thế trong Top 10 thị phần môi giới tại các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), nhưng điểm sáng trong năm 2016 là mảng môi giới khách hàng tổ chức đã có mức tăng trưởng đáng kể.

Trong lĩnh vực tư vấn, BVSC đã thực hiện khá nhiều hợp đồng tư vấn lớn trên thị trường, điển hình là thương vụ sáp nhập Công ty Cổ phần (CTCP) Xây dựng Coteccons (CTD) với CTCP Đầu tư Xây dựng Uy Nam (Unicons). Ngoài ra, các dự án về công nghệ thông tin, nghiên cứu phát triển sản phẩm và công tác chuẩn bị cho việc gia nhập TTCK phái sinh (TTCKPS) cũng được chúng tôi luôn chú trọng và đẩy nhanh tiến độ.

Ông Nguyễn Hoàng Giang: TTCK Việt Nam năm 2016 chứng kiến nhiều điểm tích cực từ việc những công ty lớn niêm yết tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư và sự tham gia tích cực hơn của các nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài.

Bên cạnh đó, các CTCK cũng được hưởng lợi từ thanh khoản tăng và sự tăng điểm của thị trường; doanh thu từ môi giới cũng như cho vay margin (giao dịch mua ký quỹ) của các công ty tăng.

Khó khăn nhất trong năm qua là sự phân hóa của thị trường khiến cho các hoạt động đầu tư của các CTCK khó khăn hơn, cạnh tranh lớn hơn. Do vậy, các công ty có biên lợi nhuận1 trong việc môi giới chứng khoán thấp hơn so với các năm trước.

Năm 2017, dự kiến TTCKPS ra đời và một loạt những kỹ thuật, sản phẩm mới được đưa vào thị trường như giao dịch trong ngày, vay - bán chứng khoán, chứng quyền… Điều này đòi hỏi các CTCK phải tự nâng cao năng lực về mọi mặt để thích ứng. Vậy, Công ty đã chuẩn bị những gì để sẵn sàng gia nhập “sân chơi mới” này? Ông có kiến nghị gì với cơ quan quản lý để những kỹ thuật, sản phẩm mới này khi áp dụng vào thực tiễn sẽ phát huy tác dụng?

Ông Nhữ Đình Hòa: Theo dự kiến, TTCKPS sẽ mở cửa vào năm 2017 là thời điểm thích hợp khi lộ trình Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế. Sự ra đời của TTCKPS là xu thế tất yếu, không chỉ đưa TTCK Việt Nam lên tầm cao mới, tiệm cận với các nước trên thế giới, mà các sản phẩm phái sinh xuất hiện sẽ tạo ra nhiều chiến lược giao dịch hấp dẫn cho nhà đầu tư, cũng là cơ hội cho các chủ thể tham gia thị trường nói chung, trong đó có các CTCK.

Về phía BVSC, để chuẩn bị cho việc tham gia vào thị trường phái sinh, chúng tôi đã có một đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản theo chương trình của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và đều đã được cấp chứng chỉ hành nghề CKPS. Các công việc khác cũng đang được chuẩn bị song hành để đảm bảo sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ khi thị trường này chính thức hoạt động.

Cũng như các CTCK khác, trước thềm “sân chơi mới” này, chúng tôi kiến nghị việc triển khai các sản phẩm nên có định hướng tập trung vào các sản phẩm đơn giản, dễ hiểu trước; sản phẩm phù hợp với từng nhóm khách hàng là tổ chức, cá nhân để thị trường phát triển từ thấp đến cao, tránh việc “đốt cháy” giai đoạn.

Ngoài ra, việc nâng cao kiến thức, cập nhật những văn bản mới nhất về CKPS cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên CTCK cũng rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi mong các cơ quan quản lý sẽ có sự hỗ trợ tích cực về mặt định hướng và chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể thông qua các buổi hội thảo, đào tạo tập trung.

Ông Nguyễn Hoàng Giang:

Theo nhận định của chúng tôi, các sản phẩm mới ra đời cùng các cơ chế giao dịch mới sẽ thay đổi rất nhiều thói quen giao dịch của nhà đầu tư chứng khoán. Vì vậy, để có thể thích ứng được với những sự thay đổi này, chúng tôi phải chuẩn bị tốt về các mặt như:

Về năng lực hệ thống: với số lượng nhà đầu tư lớn và khối lượng giao dịch nhiều, ưu tiên hàng đầu của VNDIRECT là đảm bảo hệ thống vận hành nhanh, ổn định, đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư và tuân thủ các quy định pháp lý. Chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư vào hệ thống mới cho TTCKPS, liên tục chú trọng nâng cấp hệ thống hiện tại để sẵn sàng đón nhận các thay đổi về giao dịch sắp tới. Ngoài ra, chúng tôi còn chuẩn bị sẵn năng lực hệ thống để thực hiện các nghiệp vụ có độ phức tạp cao như phát hành Chứng quyền có đảm bảo (CW) hay tạo lập thị trường.

Về chất lượng nhân sự: bên cạnh việc chuẩn bị về hệ thống, để đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của thị trường, nhân sự chất lượng cao cũng là một yếu tố không thể thiếu để VNDIRECT có thể duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Chúng tôi đã chú trọng chọn lựa những nhân sự tốt nhất để thành lập các tổ dự án nghiên cứu và chuẩn bị cho các sản phẩm mới của thị trường.

Về sản phẩm: Các cơ chế giao dịch mới sẽ thúc đẩy đáng kể mức độ tham gia giao dịch của các nhà đầu tư, do đó chúng tôi cũng cần đưa ra các sản phẩm giao dịch tiên tiến hơn, thuận tiện hơn và phù hợp hơn, bắt nhịp được với xu hướng phát triển của thị trường.

Về nâng cao nhận thức nhà đầu tư: Để các sản phẩm mới thành công và được công chúng đầu tư đón nhận, VNDIRECT cũng đã lên kế hoạch đào tạo và tuyên truyền, trong đó bao gồm cả việc phối hợp với các cơ quan quản lý như UBCKNN hay SGDCK thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của nhà đầu tư với những công cụ mới này.

Theo tôi, các cơ quan quản lý đã rất nỗ lực trong việc phát triển TTCK, mà cụ thể là các sản phẩm mới cũng như các cơ chế giao dịch mới, tiến bộ, hấp dẫn. Để phát huy hết tác dụng, tôi cho rằng các sản phẩm hay cơ chế giao dịch mới này cần phải được tuyên truyền rộng rãi đến toàn thị trường và nâng cao nhận thức của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo đáp ứng được thông lệ quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN); Quy trình giao dịch và thanh toán các sản phẩm mới phải đảm bảo được tính thuận tiện và hiệu quả nhưng vẫn đáp ứng được công tác quản trị rủi ro; Các sản phẩm được chỉnh sửa để phù hợp hơn với thực tiễn thị trường Việt Nam; Các cơ quan quản lý có cơ chế hỗ trợ thành viên và nhà đầu tư khi các sản phẩm mới ra mắt thị trường.

Được biết cơ quan quản lý TTCK đang có kế hoạch xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, dự kiến sẽ bắt đầu triển khai trong năm 2017. Là một trong những chủ thể trực tiếp tham gia thị trường, ông có đề xuất gì nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức kinh doanh chứng khoán ngày càng phát triển?

Ông Nhữ Đình Hòa: Luật Chứng khoán 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán 2010 được xây dựng trên cơ sở đồng bộ với các văn bản pháp luật (VBPL) chung có liên quan như Bộ Luật dân sự 2005, Bộ Luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2005…

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, những VBPL này hầu như đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để phù hợp hơn với thực tiễn, do đó theo tôi, việc cơ quan quản lý TTCK có kế hoạch xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi là hợp lý và rất cần thiết để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành. Liên quan đến việc xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, chúng tôi có một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, về tổ chức định mức tín nhiệm: Pháp luật về TTCK của các nước phát triển đều có các quy định về tổ chức định mức tín nhiệm - một vấn đề rất quan trọng đối với các TTCK. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nhưng việc quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức định mức tín nhiệm trong Luật Chứng khoán sửa đổi theo tôi là rất cần thiết. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu và thị trường tiền tệ phát triển, mặt khác cũng nhằm bổ sung một chủ thể không thể thiếu được của TTCK Việt Nam.

Thứ hai, về việc thu hút vốn của nhà ĐTNN, Nghị định 602 đã cho phép nhà ĐTNN được đầu tư không hạn chế vào các công ty đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp… Tuy nhiên trong quá trình thực thi Nghị định 60 lại gặp một số vướng mắc với Luật Đầu tư liên quan đến danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng giải quyết những vướng mắc này để TTCK Việt Nam có thể thực sự thu hút được các nhà ĐTNN.

Thứ ba, Luật Chứng khoán sửa đổi cần thống nhất, đồng bộ các quy định liên quan đến quản trị công ty đại chúng nhằm nâng cao chất lượng quản trị công ty theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Ông Nguyễn Hoàng Giang: Luật Chứng khoán Việt Nam được ban hành từ năm 2006 và sửa đổi vào năm 2010, sau đó giữ nguyên cho đến nay. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam và thế giới trong những năm qua đã có nhiều thay đổi cho nên Luật Chứng khoán cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới của thị trường trong nước và quốc tế.

Chúng tôi thấy rằng có nhiều quy định mới về chứng khoán hiện nay đang được thể chế hóa trong các văn bản dưới Luật là Nghị định và Thông tư mà chưa được quy định cụ thể trong Luật Chứng khoán. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Chứng khoán chưa thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Do đó, chúng tôi cho rằng cần sớm triển khai việc soạn thảo để trình Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán mới với những sửa đổi toàn diện và đồng bộ trên cơ sở tiếp thu các thông lệ/chuẩn mực quốc tế và phù hợp với yêu cầu của TTCK Việt Nam hiện nay. Sau này khi UBCKNN xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, chúng tôi sẵn sàng tham gia góp ý cụ thể để góp phần xây dựng được một Luật Chứng khoán hoàn thiện hơn nữa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!