Thị trường chứng khoán Việt Nam: Kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2017
Năm 2016, mặc dù chịu tác động bởi diễn biến khó lường của nền kinh tế thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt và lọt vào “Top” 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là năm đánh dấu mốc quan trọng kỷ niệm 20 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Chứng khoán Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, phần thưởng cao quý cho chặng đường 20 năm thành lập và phát triển.
Trước bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới và trong nước tiếp tục còn nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2016 đã chịu những ảnh hưởng nhất định từ sự kiện Brexit, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, Fed tăng lãi suất, kinh tế Trung Quốc giảm tốc… cho đến biến động giá dầu và những thay đổi trong chính sách tiền tệ của các nước lớn.
Tuy nhiên, Chính phủ đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp hướng đến xây dựng nền hành chính kiến tạo, kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản đã ổn định, tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng bước đầu có sự cải thiện. Các giải pháp tài chính và chính sách thúc đẩy cổ phần hóa, gắn cổ phần hóa với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc tăng nguồn hàng chất lượng cho thị trường.
Công tác tái cấu trúc TTCK cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Theo đó, TTCK Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt và lọt vào “Top” 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Năm 2016, công tác huy động vốn qua TTCK đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng mức huy động vốn trên TTCK ước đạt 348 nghìn tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng giá trị thu được qua cổ phần hóa thoái vốn trên TTCK đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ thành công tăng từ 40% lên 64%.
Chỉ số VN-Index tăng 15%, mức vốn hóa thị trường đạt 1.923 nghìn tỷ đồng, tương đương 46% GDP, tăng 40%; Thanh khoản thị trường tăng mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt 6.888 tỷ đồng/phiên, tăng 39% so với cuối năm 2015. Quy mô TTCK ngày càng được mở rộng, trong năm 2016, có 695 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên hai sàn, 377 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM, nâng tổng giá trị niêm yết trên toàn thị trường lên 712 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường trái phiếu có 590 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt gần 934 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5%. Trong năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết đều có kết quả khả quan, một số chỉ tiêu về doanh thu, hàng tồn kho và chi phí tài chính… đã được cải thiện hơn.
Hoạt động nhà đầu tư diễn ra cũng khá sôi động, số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,67 triệu tài khoản, tăng 6% so với cuối năm 2015. Đặc biệt, trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng rút khỏi nhiều thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam vẫn được nhìn nhận là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong 10 tháng đầu năm 2016, dòng vốn nước ngoài vào ròng với giá trị cao nhất 5 năm qua. Giá trị danh mục liên tục gia tăng, đạt 17,3 tỷ USD vào cuối tháng 11/2016 (tăng 18% so với cuối năm 2015), điều đó thể hiện sự phục hồi, tiếp tục phát triển của TTCK Việt Nam và những tín hiệu tốt tác động từ những chính sách cải cách của Chính phủ.
Nhiều bước đi hiệu quả được triển khai trong năm 2016
Trong năm 2016, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có nhiều nỗ lực, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, chủ động triển khai các giải pháp phát triển thị trường. Qua đó, đã giúp TTCK Việt Nam hồi phục nhanh chóng và duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt. Cụ thể như:
(i) Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ ban hành các văn bản tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn và gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Qua đó đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng quy mô huy động vốn qua cổ phần hóa lên 30.000 tỷ đồng; đồng thời, thu hút trên 12.000 tỷ đồng bằng ngoại tệ, góp phần tăng cung hàng hóa chất lượng, cải thiện sức cầu và tăng quy mô vốn hóa của TTCK.
(ii) Từng bước tháo gỡ khó khăn, cải thiện sức cầu thông qua việc trình Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP về đầu tư kinh doanh. Trong đó, tháo gỡ một bước các vướng mắc nới tỷ lệ sở hữu đầu tư nước ngoài, thủ tục mở tài khoản đầu tư gián tiếp, rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2 và duy trì hệ thống giao dịch ký quỹ với quy mô phù hợp, trong phạm vi cho phép.
(iii) Hoạt động của thị trường trái phiếu được cải thiện về pháp lý, triển khai các nghiệp vụ, sản phẩm mới, cải thiện hệ thống giao dịch thanh toán nhằm tăng quy mô thanh khoản của thị trường. Tổng dòng tiền vào thuần của nhà đầu tư nước ngoài trong việc mua trái phiếu Chính phủ trong năm 2016 đạt trên 12.000 tỷ đồng, góp phần tăng sức cầu cho TTCK. Đưa quy mô của thị trường trái phiếu Chính phủ lên mức 24% GDP.
(iv) Công tác tái cấu trúc TTCK được thúc đẩy trên cả 4 trụ cột đề án thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN); được hoàn thiện các quy định về công bố thông tin, quản trị DN nhằm tăng cường tính công khai minh bạch của TTCK được ban hành và điều chỉnh.
(v) Công tác hoàn thiện khung pháp lý cũng luôn được UBCKNN chú trọng. Nhiều văn bản có tính pháp lý cao đã được ban hành trong năm 2016 như: Nghị định 86/2016/NĐ-CP quy định về đầu tư kinh doanh chứng khoán nhằm phù hợp theo quy định tại Luật Đầu tư; Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK; trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản trị công ty.
Năm 2016 cũng là năm đánh dấu mốc quan trọng 20 năm ngành Chứng khoán Việt Nam và UBCKNN vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, phần thưởng cao quý cho chặng đường 20 năm thành lập và phát triển.
Tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2017
Bước sang năm 2017, dự kiến nền kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối diện với không ít khó khăn, do tác động của các dư chấn năm 2016 để lại, tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn nhiều cơ hội.
Kinh tế vĩ mô trong nước được dự báo sẽ tiếp tục ổn định và có mức phục hồi cao hơn trong năm 2017. Cụ thể, kinh tế Việt Nam sẽ có mức phục hồi cao hơn trong năm 2016, lên mức 6,5-6,7%; Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý; Tín dụng tăng trưởng tốt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện... Cùng với các giải pháp quyết liệt đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gắn với niêm yết trên TTCK, thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các DNNN cổ phần hóa.
Với mục tiêu bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững TTCK, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phát triển theo chiều sâu, từng bước đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn chủ đạo trong nền kinh tế. Trong năm 2017, ngành Chứng khoán sẽ tập trung vào một số giải pháp phát triển thị trường sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát: Triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, đồng thời tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ hướng dẫn Luật Chứng khoán; Hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý nhằm tạo cơ sở cho việc chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu, hướng đến việc minh bạch thông tin và xử lý tranh chấp, tạo điều kiện thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài vào TTCK.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; Áp dụng các phương thức mới trong việc cổ phần hóa, thoái vốn; Hoàn thiện thị trường UPCoM; Hoàn tất việc ban hành Nghị định về quản trị công ty; Tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng.
Thứ ba, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đưa TTCK phái sinh đi vào hoạt động, trong đó, có hệ thống giao dịch, hàng hóa, cơ chế quản lý giám sát… đảm bảo triển khai có hiệu quả và thành công; Triển khai hệ thống giao dịch sản phẩm Cover Warrant, nghiên cứu để từng bước áp dụng trong năm 2018.
Thứ tư, hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu: Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu Chính phủ; Hoàn thiện phương án tổ chức thị trường trái phiếu DN và công tác chuẩn bị để có thể đưa thị trường giao dịch trái phiếu DN vào hoạt động trong năm 2018.
Thứ năm, phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và cải thiện sức cầu: Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam; Xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm và thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam.
Thứ sáu, phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường. Cụ thể là tiếp tục tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán để giảm số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu để thực hiện công khai danh sách người hành nghề chứng khoán trên cổng thông tin điện tử.
Thứ bảy, tiếp tục xây dựng mô hình, lộ trình cho tiến trình hợp nhất 2 Sở Giao dịch Chứng khoán; Hoàn thiện mô hình đối tác bù trừ trung tâm; Xây dựng và triển khai Đề án kết nối hệ thống thanh toán bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng.
Thứ tám, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch năm 2017; Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị để kịp thời phát hiện và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK, đảm bảo sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam.