Phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại:

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp

PV.

Buôn lậu và gian lận thương mại là vấn đề nhức nhối, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh xã hội, thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh. Dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, song nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để cuộc chiến này hiệu quả, điều quan trọng cần sự chung tay vào cuộc thực sự của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong 8 tháng đầu năm,  lực lượng chức năng các cấp phát hiện, bắt giữ, xử lý 129.575 vụ việc vi phạm. Nguồn: baohaiquan.vn
Trong 8 tháng đầu năm, lực lượng chức năng các cấp phát hiện, bắt giữ, xử lý 129.575 vụ việc vi phạm. Nguồn: baohaiquan.vn

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), trong 8 tháng đầu năm 2015, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp phát hiện, bắt giữ, xử lý 129.575 vụ việc vi phạm và tiến hành khởi tố 844 vụ/989 đối tượng.

Thống kê của Ban Chỉ đạo 389 trong 8 tháng cũng cho thấy, số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước 6.572 tỷ đồng. Riêng đợt ra quân từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8, Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu và các lực lượng liên ngành đã phát hiện một lượng hàng hóa lớn trị giá trên 1 tỷ đồng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, được chở từ khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh vào nội địa tiêu thụ.

Trong 8 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo 389 đã phê duyệt chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tổ chức phối hợp xác minh, điều tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm lớn, phức tạp. Điển hình là vụ triệt phá đường dây sản xuất và kinh doanh gas trái phép quy mô lớn của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hà Linh (tỉnh Long An); Vụ việc của Công ty Thuận Phong (tỉnh Đồng Nai); vụ giả mạo xuất xứ hàng hóa đối với các thiết bị nhà bếp của Công ty TNHH Romal Việt Nam; chuyển các cơ quan, đơn vị chức năng TP. Hồ Chí Minh để xử lý theo thẩm quyền đối với 24 vụ việc vi phạm tại các kho hàng khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất; vụ bắt giữ hơn 20 tấn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc tại TP. Hồ Chí Minh...

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tuy hàng giả ngày càng tràn lan trên thị trường nhưng phần lớn doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý. Nhiều doanh nghiệp thờ ơ, sợ ảnh hưởng đến doanh thu, sức cạnh tranh của thương hiệu mình nên đã không lên án, tố giác hàng giả với các cơ quan chức năng. Đó là chưa kể còn xuất hiện tình trạng nhiều bộ phận, chi nhánh hay đại lý trực tiếp đặt hàng còn cố ý nhập hàng giả rồi tiêu thụ cùng hàng chính hãng. Nói cách khác, chính các doanh nghiệp cũng đã tiếp tay cho buôn lậu và hàng giả, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất trong nước.

Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu dường như đã bắt đầu “tự thích nghi” trước sự ra quân quyết liệt của lực lượng chức năng, bằng việc hình thành các đường dây buôn lậu lớn, tổ chức chặt chẽ, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, có sự tham gia tiếp tay của nhiều thành phần, tầng lớp đối tượng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thực tế trong công tác chống buôn lậu cho thấy, không ít doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc tạo thuận lợi sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp để gian lận trong việc nhập khẩu hàng hóa trong thời gian qua.

Chẳng hạn, lợi dụng kẽ hở trong Hệ thống quản lý rủi ro và chương trình thông quan điện tử, nắm được các tiêu chí về hàng trọng điểm, tuyến đường trọng điểm, doanh nghiệp trọng điểm… từ đó, các đối tượng đã có thủ đoạn đối phó, lợi dụng kẻ hở trong các quy định về thủ tục hải quan, lợi dụng sự quản lí lỏng lẻo trong hoạt động của hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận, cơ quan quản lý cảng; lợi dụng bảng giá kiểm tra để gian lận qua giá, khai sai tên hàng để gian lận về trị giá, thuế suất nhằm trốn thuế…

Việc phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ xử lý giữa các cơ quan chức năng liên quan rất quan trọng và mang lại hiệu quả cao cho công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, điều quan trọng hiện nay là cần có sự phối hợp thực chất, tích cực của chính cộng đồng doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp cần hiểu rằng, những nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chức năng chính là để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng để cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không nên vì những lợi ích trước mắt rồi có những hành động tiếp tay hoặc thờ ơ với buôn lậu và gian lận thương mại bởi chính doanh nghiệp sẽ là đối tượng chính phải nhận hậu quả khi tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn đất sống.