Tham tán Thương mại tại Đức:
Cần tận dụng tốt lợi thế từ EVFTA
Theo ông Bùi Vương Anh, các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế từ vấn đề nguyên liệu tại chỗ hay nguyên liệu nhập khẩu để có được nguồn nguyên liệu tốt, ổn định cho sản xuất.
Việc Quốc hội Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) là bước khởi đầu tương đối thuận lợi, song các doanh nghiệp vẫn cần vận dụng và triển khai một số nội dung để có thể tối ưu hóa cơ chế do EVFTA đem lại.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đức ngày 12/6, ông Bùi Vương Anh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cho biết EVFTA là một cơ chế bổ sung hoàn thiện cho Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và trong bối cảnh đó, Việt Nam và Đức đã cơ bản hoàn thiện ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt-Đức trong năm 2020 và đây là dấu ấn quan trọng nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.
Theo ông, về mặt kinh tế, EVFTA là điểm nhấn và nét hoàn thiện cho cơ chế về hợp tác kinh tế của WTO, Liên minh châu Âu (EU) cũng như quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Đức; có tác động tích tới nhiều lĩnh vực liên quan kinh tế, tài chính, dịch vụ và sản xuất giữa Việt Nam-Đức cũng như EU và châu Á nói chung.
Trong những năm gần đây, Đức đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch song phương năm 2019 lên tới hơn 15 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 11 tỷ USD. Do vậy, đây là thị phần quan trọng và rất đáng quan tâm với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam.
Tham tán Thương mại Bùi Vương Anh cho biết Đức có vai trò quan trọng trong EU và là thị trường truyền thống, có hợp tác lâu đời trên tất cả các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Để triển khai và vận dụng tốt cơ chế thuận lợi của EVFTA, các doanh nghiệp cần lưu ý một loạt vấn đề, từ quy trình sản xuất (phát triển nguyên liệu đến gia công chế biến) cũng như đẩy mạnh chuỗi cung ứng.
Thứ nhất, các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế từ vấn đề nguyên liệu tại chỗ hay nguyên liệu nhập khẩu, kể cả trong vấn đề sơ chế nguyên liệu để có được nguồn nguyên liệu tốt, ổn định cho sản xuất.
Thứ hai, các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế từ vấn đề áp dụng máy móc, thiết bị và khoa học công nghệ để có thể đẩy mạnh, gia tăng năng suất, hàm lượng công nghệ cũng như giá trị cho các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt, đáp ứng các yêu cầu về y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điểm thứ ba là có thể vận dụng tốt cơ chế từ thỏa thuận thương mại tự do và cơ chế ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế để tạo thuận lợi cho việc xâm nhập hàng hóa Việt Nam vào thị trường Đức cũng như châu Âu nói chung.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bổ sung các chương trình, đề án như "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," đề án phân phối logistics và của các cơ chế ủy ban hỗn hợp, qua đó có thể vận dụng tối ưu, đem lại lợi ịch thiết thực cho các doanh nghiệp cả về sản xuất và dịch vụ thương mại, tạo tiền đề tốt cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Đức cũng như với EU.
Một điểm quan trọng nữa là cần phải xây dựng chính sách, điều kiệu cụ thể cho từng địa bàn, từng nhóm doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, điều hết sức quan trọng là các doanh nghiệp cần tự điều chỉnh và thích ứng với nhu cầu thị trường. Tận dụng lợi thế từ việc giảm thuế theo EVFTA để có thể giảm chi phí, giúp gia tăng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng cũng như của thị trường.