EVFTA nối dài tầm với, vươn tới chiều sâu thương mại Việt Nam


Hiệp định EVFTA đánh dấu một giai đoạn phát triển thương mại mới, là tín hiệu khả quan về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam- EU sau đại dịch.

EVFTA nối dài tầm với, vươn tới chiều sâu thương mại Việt Nam.
EVFTA nối dài tầm với, vươn tới chiều sâu thương mại Việt Nam.

Ngày 8/6/2020, EVFTA được Quốc hội thông qua đánh dấu một giai đoạn phát triển thương mại mới. Đây là giai đoạn nối dài tầm với, vươn tới chiều sâu thương mại mới của Việt Nam. Sự chuẩn bị khá đầy đủ và sẵn sàng của cả hai bên là tín hiệu khả quan về triển vọng phát triển đột phá thương mại Việt Nam- EU sau đại dịch Covid-19.

Hiệp định thế hệ mới

PGS., TS. Nguyễn Thường Lạng.
PGS., TS. Nguyễn Thường Lạng.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực gần như ngay lập tức sau khi được thông qua, đây là điểm khác lớn nhất so với các hiệp định truyền thống trước đây, bởi một số hiệp định từ khi thông qua đến khi có hiệu lực kéo khá dài nhiều tháng thậm chí hàng năm. Còn EVFTA mới chỉ được thông qua đầu tháng 6 nhưng có thể có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020.

Danh mục giảm thuế của Hiệp định này gần như lớn nhất với thời gian ngắn nhất. Việc giảm thuế tới 99,2% mặt hàng trong vòng 7 năm chỉ bằng 2/3 thời gian thực hiện cam kết trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và khoảng 1/3 thời gian theo cam kết trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ. Đây là một kỷ lục mới về thời gian thực hiện cam kết hiệp định chưa từng có trong tiền lệ.

Cam kết tác động sâu sắc đến hầu hết chủ thể như: Chính phủ, doanh nghiệp, dân cư và lĩnh vực liên quan đến thương mại. Bên cạnh giảm thuế, các lĩnh vực khác như hàng rào kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều kiện lao động, biện pháp phòng vệ đều được điều chỉnh với mức độ chi tiết rất cao.

Việc tăng cường đầu tư song phương được điều chỉnh bằng một hiệp định độc lập là Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) làm tăng thêm tính chuyên sâu của cam kết lĩnh vực và bảo đảm cao nhất quyền lựa chọn tự do của các quốc gia thành viên với năng lực đầu tư khác nhau.

Nối dài tầm với

Tầm với được nâng lên từ quan hệ thương mại bình thường và phổ biến trong cam kết WTO thu lợi ích cục bộ sang trạng thái các lĩnh vực và chủ thể thu lợi ích tổng quát, đầy đủ và trọn vẹn. Nguyên tắc thương mại tự do, nếu được tuân thủ nghiêm túc, sẽ mang lại lợi ích tối ưu, nghĩa là cả hai bên đều thu lợi tối đa mà không bị rơi vào tình trạng khoản lợi thu được bên này là khoản thiệt bên còn lại.

Tầm với mới thể hiện ở sự cố gắng của các bên để đạt lợi ích tối đa, mà nếu không, vẫn có cơ hội thu lợi ích tối thiểu. Tuyệt nhiên không có tình trạng mất trắng một bên để bên còn lại hưởng lợi hoàn toàn.

 

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ- Trung diễn biến khó lường, việc nối dài tầm với thương mại với EU là sự lựa chọn chiến lược phù hợp của Việt Nam để tạo lợi ích chiến lược tối đa quốc gia và cải thiện nhanh chóng vị thế thương mại quốc tế đất nước trong khu vực.

Vươn tới chiều sâu

Thương mại và Việt Nam và EU cùng chuyển động đến mô hình liên kết chuỗi. Chuỗi giá trị mới được hình thành gắn với quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xử trong đó tỷ lệ nội địa cao được đặt ra. Đây là áp lực rất lớn và là cơ hội rộng mở để các nhà cung ứng Việt Nam trở thành khâu đầu của chuỗi giá trị mặt hàng có lợi thế như: dệt may, giày dép, thủy sản phong phú với giá cạnh tranh cho thị trường EU khoảng 450 triệu dân và thu nhập bình quân 36.000 USD/năm. Việt Nam cũng cung ứng nguồn lực đáng kể như lao động dồi dào, giá rẻ cho các nhà đầu tư EU.

Ở chiều ngược lại, các nhà cung ứng EU trở thành khâu đầu của chuỗi giá trị mặt hàng có thế mạnh như máy móc, thiết bị mà Việt Nam rất cần để chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, cải thiện năng suất tổng hợp các yếu tố (TFP). Đồng thời, các nguồn lực chất lượng hàng đầu thế giới như: công nghệ cao, công nghệ nguồn và vốn đầu tư lớn của EU là sự bổ sung rất lớn cho phần thiếu hụt đáng kể của kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam và kinh tế EU sẽ trở thành phần không thể thiếu của nhau trong một cơ cấu kinh tế xuyên lục địa, cho nên các chính sách điều chỉnh của mỗi bên phải trở thành động lực phát triển của bên kia theo cơ chế tương hỗ thuận chiều.     

Kịch bản thương mại mới

Theo quy luật thương mại, thương mại bổ sung dựa trên tăng quy mô và cường độ trao đổi hàng hóa, dịch vụ sẵn có của mỗi bên trong giai đoạn đầu có thể bị thay thế bởi  danh mục sản phẩm, dịch vụ dựa trên đổi mới sáng tạo trong dài hạn.

Kịch bản thương mại hàng  hóa, dịch vụ và yếu tố sẵn có giữa Việt Nam và EU sẽ được điều chỉnh từng bước gắn với mức độ cải thiện hiệu quả kinh tế Việt Nam, đó là quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, chuyển từ quốc gia thu nhập trung bình thấp năm 2010 lên nước thu nhập trung bình cao năm 2035 và thu nhập cao năm 2045.

EVFTA đóng góp đáng kể vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trung bình 2 - 3%/năm giai đoạn 2020-2035. Đây cũng là khoảng thời gian các cam kết của hiệp định được triệt để thực hiện.

Thương mại bổ sung giữa hai bên sẽ tích lũy nguồn vốn, kinh nghiệm, hình thành đội ngũ doanh nghiệp mới và đội ngũ doanh nhân có tầm nhìn mới tương xứng với tầm với được nối dài, mô hình doanh nghiệp phù hợp đủ khả năng vươn tới chiều sâu nhất của thương mại để chuyển dịch sang giai đoạn đón nhận kịch bản tiếp theo của thương mại hiện đại. Đó là kịch bản thương mại thay thế với động lực cạnh tranh dựa trên đổi mới sáng tạo vô tận - mô hình tương lai thương mại hai bên trong dài hạn.

Tầm nhìn và phương pháp, kinh nghiệm và nguồn lực đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới của EU phải được Việt Nam tiếp cận, tiếp nhận, chuyển hóa nhanh chóng và phát triển hiệu quả nhất để cải thiện vị thế thương mại theo kịch bản thương mại mới. Sự dẫn dắt đúng hướng và đồng hành của Chính phủ, cộng hưởng với nỗ lực cao trong huy động và phát huy tính sáng tạo của cả cộng đồng doanh nghiệp, từng cá nhân chắc chắn sẽ là điều kiện đặc biệt quan trọng để kịch bản mới khả thi trong thời gian ngắn nhất, tương xứng với thời gian phát huy hiệu lực và bản chất Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.