Việt Nam sẵn sàng triển khai EVFTA và EVIPA

Theo Thành Nam/sggp.org.vn

Việc Việt Nam và EU hoàn tất phê chuẩn và sớm triển khai các hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả hai bên, tạo động lực mới cho mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU.

Việt Nam sẵn sàng triển khai EVFTA và EVIPA.
Việt Nam sẵn sàng triển khai EVFTA và EVIPA.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 11/6, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị bình luận về việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua 2 hiệp định EVFTA và EVIPA và cho biết kế hoạch của Việt Nam để triển khai 2 hiệp định này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

Bà Lê Thị Thu Hằng.
Bà Lê Thị Thu Hằng.

“Ngày 8/6, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Dự kiến, EVFTA sẽ sớm có hiệu lực, có thể là từ 1-8-2020, trong khi EVIPA sẽ có hiệu lực sau khi được các quốc gia thành viên EU phê chuẩn.

Việc Việt Nam và EU hoàn tất phê chuẩn và sớm triển khai các hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả hai bên, tạo động lực mới cho mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU.

Khi đi vào triển khai, EVFTA và EVIPA sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế khu vực Á - Âu; góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại và đầu tư bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ; đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của hai bên cũng như của hai khu vực Á - Âu và trên toàn thế giới. Việt Nam đã sẵn sàng triển khai các hiệp định này trên thực tế”.

Trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2019 vừa được công bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được đảm bảo, tôn trọng trên thực tế. Thời gian vừa qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự; 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân; đặc biệt, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin Lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)… Những nỗ lực này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Chúng tôi ghi nhận Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Báo cáo tự do tôn giáo năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn có những thông tin thiếu khách quan, không chính xác và chưa được kiểm chứng về tình hình Việt Nam.

Việt Nam tiếp tục duy trì và sẵn sàng tăng cường hợp tác, trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau thông qua các khuôn khổ đối thoại song phương, trong đó có đối thoại nhân quyền thường niên, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”.