Cần thận trọng với cơn sốt đất ở Châu Đức

Theo Ánh Xuân - Hoàng Thiện/cstc.cand.com.vn

Sau mấy ngày lên "cơn sốt" đất chưa từng có, làm dậy sóng huyện ngoại thành Châu Đức của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay đã tạm lắng đi. Tuy nhiên, tình trạng này đã để lại rất nhiều điều cần xem xét đối với các cấp quản lý, bởi tình trạng lừa đảo bán đất dự án "ma" đã được cảnh báo, thậm chí Công an các địa phương đã khởi tố hình sự hàng loạt vụ án, nhưng nhiều người vẫn hám lợi tiếp tục bỏ tiền tỷ mua đất…

Một bảng cảnh báo của chính quyền xã Bình Ba.
Một bảng cảnh báo của chính quyền xã Bình Ba.

Cơn sốt đất do "cò đất" cố ý "thổi"

Có mặt tại khu vực quốc lộ 56, đoạn đi qua xã Bình Ba, Đá Bạc và Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào trưa 20-2, chúng tôi chứng kiến cảnh khá yên ắng, không còn những đoàn khách ngồi ôtô nối nhau từ tỉnh khác đến hỏi mua đất trước đó.

Chỉ ba bốn ngày trước, cứ cách mỗi 10m, người ta lại thấy một nhóm 5-7 người đứng hai bên đường trao đổi thông tin đất đai, chờ người đến tìm kiếm cơ hội đầu tư để mời chào. Trong khi đó, giao thông luôn trong tình trạng ùn tắc do mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe nối đuôi nhau, tập trung trên quốc lộ 56 đoạn đi qua xã Bình Ba.

Dũng, một "cò đất" kể rằng tình trạng "cơn sốt" đất ở Bình Ba sau khi tăng cao hiện đã hạ xuống nên người này bày tỏ ý muốn đưa chúng tôi đi xem những khu đất ở khu vực lân cận, cách đó từ 5-10km như xã Nghĩa Thành, Đá Bạc hay Kim Long với lý do ở đó đất còn rẻ, chưa bị đẩy lên quá cao, dễ có lời cho những khách đầu tư thích "lướt"… Cảm thấy chúng tôi có vẻ không mặn mà với ý kiến của mình, anh ta có vẻ… mất hứng.

Nhiều người vào quán cà phê chủ yếu bàn bạc chuyện mua bán đất.
Nhiều người vào quán cà phê chủ yếu bàn bạc chuyện mua bán đất.
 

Câu chuyện về tình hình "sốt" đất mới vừa qua, ông Lê Bảy, người dân ở xã Bình Ba cho biết ông sống ở đây đã mấy chục năm, nhưng chưa bao giờ thấy cảnh người người đổ về mua đất nhiều như thế, giá đất liên tục tăng từng giờ, sáng một giá, trưa một giá, chiều lại một giá, người mua gần như không có thời gian để trả giá.

Trước Tết, giá đất mặt tiền quốc lộ ở đây chỉ khoảng từ hơn 100 triệu đồng/mét ngang nhưng không mấy ai mua bán. Nhưng sau đó đã tăng lên 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Dù giá cao, nhưng việc buôn bán vẫn diễn ra tấp nập, các nhà đầu tư phải xuống tiền nhanh chóng, nếu "chần chừ" sẽ mất giao dịch. Thậm chí có miếng đất khách vừa đặt cọc, chủ đất đã xin đền cọc gấp đôi để bán cho người khác với giá cao hơn.

Theo người dân ở đây cũng như quan sát thực tế, những ngày qua dọc các con đường, những tờ rơi, các mảnh giấy in các số điện thoại rao bán đất được dán khắp các cột điện thoại, gốc cây. Thậm chí, thông tin bán đất còn được vẽ lên mặt đường. Tình trạng lộn xộn khiến Công an huyện Châu Đức phải điều Cảnh sát giao thông - trật tự liên tục phát loa nhắc nhở và xử lý các tài xế xe đậu lấn chiếm lòng lề đường để đảm bảo an toàn giao thông.

Đồng thời, UBND xã Bình Ba cũng đã cho cắm biển cảnh báo người dân về tình trạng phân lô bán nền dự án "ma", đề nghị người dân cảnh giác, không thực hiện giao dịch, mua bán trên địa bàn xã. 

Đồng thời, địa phương và phía cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều chỉ đạo liên quan đến tình trạng "sốt đất" tại địa phương cũng như cảnh báo về dự án "ma" do "cò đất" vẽ ra và thiệt hại mà nhà đầu tư phải hứng chịu trong "cơn sốt" này, nhưng rồi nhiều nhà đầu tư vẫn bất chấp lao vào như thực tế những ngày trước đó đã diễn ra.

Cơ quan Công an vào cuộc điều tra, xác minh

Theo tìm hiểu thì "cơn sốt" đất ở Bình Ba mấy ngày qua bắt nguồn từ một thông tin rò rỉ, đó là việc Tập đoàn Vingroup được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu làm hai dự án trên địa bàn xã Bình Ba và thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, với với tổng diện tích 802,2 ha.

Thực tế, vào tháng 11-2019, đại diện Tập đoàn Vingroup đã đến làm việc với lãnh đạo huyện Châu Đức và đi khảo sát một vài khu vực đất tại địa bàn các xã, thị trấn. Ngày 3-12-2019, Tập đoàn Vingroup đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, Sở KH-ĐT và UBND huyện Châu Đức đề nghị được nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng dự án đầu tư tại hai khu vực, gồm: Khu vực 1 có diện tích 2,2ha tại thị trấn Ngãi Giao, đề xuất thực hiện dự án Trung tâm thương mại và cửa hàng kinh doanh cho thuê kết hợp nhà ở.

Khu vực 2 đề xuất thực hiện dự án khu đô thị, công nghiệp chế tạo, sản xuất công nghệ cao có diện tích đất khoảng 800ha nằm dọc theo quốc lộ 56 thuộc địa bàn xã Bình Ba. Theo đề xuất này của Tập đoàn Vingroup, ngày 15-1-2020, UBND tỉnh đã chấp thuận để Tập đoàn Vingroup khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư tại hai khu vực nêu trên. Tuy nhiên, phải nói rõ đây chỉ mới là bước khảo sát, nghiên cứu đề xuất, còn việc thực hiện dự án hay không, thực hiện trong bao lâu thì vẫn chưa rõ ràng.

Nhưng ngay sau khi thông tin này lộ ra, đất ở các địa phương trên địa bàn huyện Châu Đức bất ngờ tăng giá nhiều lần và tạo nên "cơn sốt" đất rình rang ngay những ngày đầu năm mới. Đáng nói, theo đánh giá của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương thì "cơn sốt" này bị chi phối bởi dân đầu cơ, "cò đất" và dân đầu tư tứ xứ. Những ngày qua luôn có một số nhóm người chuyên đi tạo giao dịch ảo hoặc các hợp đồng giao dịch ảo để gây "sốt đất". Đối với số giao dịch thật được công chứng rất ít, chủ yếu là đặt cọc rồi chuyển nhượng lại.

Theo ông Ngô Văn Luận, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Châu Đức, đến nay các văn phòng công chứng, văn phòng đất đai trên địa bàn huyện chưa có con số giao dịch chính thống nào được thực hiện, nghĩa là toàn bộ giao dịch này chỉ thực hiện trên giấy tờ viết tay với nhau và có tính chất đầu cơ, chưa chính thức.

Hình ảnh những ngày "cơn sốt" đất diễn ra.
Hình ảnh những ngày "cơn sốt" đất diễn ra.
 

Trước "cơn sốt" đất bất thường này ở Bình Ba, UBND huyện Châu Đức đã giao Công an huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những trường hợp quảng cáo rao bán dự án "ma".

UBND huyện Châu Đức cũng yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra thực địa thuộc địa bàn quản lý đối với tất cả dự án nhà ở, được đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp trên địa bàn. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì kiên quyết ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền; cảnh báo cho người dân biết những khu đất không đảm bảo việc thực hiện giao dịch, mua bán, kinh doanh bất động sản (còn gọi là dự án "ma") tổ chức rao bán dưới hình thức góp vốn, đặt chỗ không đúng quy định…

Qua "cơn sốt" đất bất thường tại huyện Châu Đức, nhiều chuyên gia bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng có bàn tay của "cò" đã tạo ra thị trường không bền vững; đến thời điểm vượt ngưỡng thì thị trường chắc chắn sẽ đi xuống.

Như vậy, những người mua thời đầu sẽ có lợi, còn những người mua cuối cùng thì phải ôm hàng. Đặc biệt, việc mua bán đất ở giai đoạn "sốt đất" như thế này đa phần đều chuyển nhượng sang tay (viết giấy tay giữa người bán và người mua với nhau) khi xảy ra tranh chấp sẽ rất phức tạp.

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo bán đất "ma" đã được cảnh báo trên nhiều địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, thậm chí Công an các địa phương đã khởi tố hình sự hàng loạt vụ án, nhưng người dân vẫn tiếp tục bỏ tiền "lướt". Nguyên nhân một phần do người dân, nhà đầu tư thiếu hiểu biết và một phần vì ham lợi nhuận, bởi đa số các dự án "ma" đều bán đất với giá rẻ hơn giá thị trường.

Điển hình mới đây, nhiều khách hàng đã tố cáo Công ty Cổ phần King Home Land lừa đảo khi bán đất nền "ma" tại các dự án King Home 2 (quận 12), King Home 4 (quận 9), đều ở TP. Hồ Chí Minh, King City Long Thành (Long Thành, Đồng Nai)... Những khách hàng này đã gửi đơn tố cáo lừa đảo lên Công an quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh) - nơi công ty này đặt trụ sở - và Công an TP. Hồ Chí Minh.

Những dự án "ma" của Công ty Cổ phần King Home Land đã bị cơ quan chức năng của quận 9, quận 12 phát đi các thông báo cảnh báo đến người dân tránh mua đất của công ty này để không bị lừa.