Cần thêm quyền lực cho VAMC xử lý nợ xấu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được trông chờ sẽ giúp xử lý hiệu quả nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Nhưng hiện nay VAMC không có đột phá nào về lượng nợ xấu mua vào, khiến việc giải quyết nợ xấu không có sự chuyển biến mạnh mẽ. Vậy công tác này trong thời gian tới có thể thực hiện nhanh hơn không?

Cần thêm quyền lực cho VAMC xử lý nợ xấu
Một số chuyên gia cho rằng, VAMC cần có quyền và tiền nhiều hơn nữa thì mới có thể xử lý hiệu quả nợ xấu. Nguồn: internet

Có thể thấy, từ đầu năm 2013 đến nay, cả VAMC và các ngân hàng đều tích cực xử lý nợ xấu. Nhiều ngân hàng đã dành lượng lớn lợi nhuận thu được trong 6 tháng đầu năm để xử lý thực hiện công tác này và đạt kết quả tích cực. Nhưng số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nợ xấu trong quý II đã tăng nhẹ so với quý I.

Lý giải về tình trạng này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nợ xấu vẫn tăng nhẹ trong quý II là do doanh nghiệp đang khó khăn, chưa trả được nợ khi đến thời hạn. Bên cạnh đó, Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản tín dụng đã quy định phân loại nợ rộng hơn, nên các ngân hàng dễ bị tăng nợ xấu hơn.

Nhưng có thể thấy, một lý do nữa là tốc độ mua nợ xấu của VAMC trong 8 tháng qua diễn ra chậm, chỉ mua được 19.600 tỷ đồng. Tính cả năm ngoái và năm nay, số nợ xấu mua được gần 59.000 tỷ đồng. Dù cho VAMC khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ mua thêm được 70.000 tỷ đồng nữa, nhưng rõ ràng việc từ số nợ mua được không lớn, cũng khiến tốc độ loại nợ xấu ra khỏi bảng cân đối của các ngân hàng chậm, khiến tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống giảm chậm.

Vậy tại sao tốc độ mua nợ xấu của VAMC chậm? Có thể đánh giá đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước và VAMC đều khẳng định tổ chức này đang thực hiện tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, tiềm lực tài chính yếu và một số vướng mắc liên quan đến cơ chế, khiến VAMC chưa thể giải quyết nhanh nợ xấu. Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, VAMC cần có quyền và tiền nhiều hơn nữa, thì mới có thể xử lý hiệu quả nợ xấu. Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, nợ xấu được xử lý bằng một khoản tiền trích ra từ ngân sách quốc gia, thậm chí số tiền lên đến 15-20% GDP. Nhưng ở nước ta, cho đến thời điểm này, VAMC chưa phải dùng một đồng ngân sách nào để mua nợ xấu.

Vừa qua, với những khoản nợ không thể cơ cấu, VAMC đã trực tiếp phát mại tài sản bảo đảm thông qua đấu giá. Nhưng đã tổ chức đến lần thứ ba vẫn chưa thành công. Còn khi ủy quyền cho các tổ chức tín dụng, thì đấu giá đến lần thứ 5, thứ 7 cũng chưa thành công, dù giá phát mại tài sản đã thấp hơn hoặc theo giá thị trường. Do không phát mại được, nên những khoản nợ này vẫn bị treo tại ngân hàng thương mại.

Để đẩy nhanh việc mua nợ xấu, VAMC đang xây dựng Đề án mua, bán nợ theo giá thị trường; chủ động thực hiện phương án mua, bán nợ xấu theo nguyên tắc thị trường. Đây là những bước đi đầu tiên, là tiền đề để hình thành thị trường mua bán nợ thứ cấp mà trong đó, VAMC sẽ là tổ chức trung tâm. Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết, VAMC đang đề nghị tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, để có đủ tiềm lực và có vị thế tài chính nhằm thu hút vốn trong nước, quốc tế mua lại nợ xấu cho thị trường. Ngoài ra, để đẩy nhanh việc mua nợ xấu, các cơ chế hiện nay cũng cần tháo gỡ, trong đó cần sửa đổi một số quy định liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. VAMC cũng đã đề xuất cần có cơ chế cho phép đơn vị này có quyền lực lớn hơn, được tự quyết về giá bán, phương thức bán khi không thỏa thuận được với các TCTD bán khoản nợ đó cho VAMC.

VAMC đang đi đúng hướng, nhưng để tạo ra sự đột phá, thì phải trao cho tổ chức này nhiều quyền và tiền hơn. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu phải có sự quyết tâm cao và làm quyết liệt, càng loại bỏ nhanh nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng, thì sẽ càng tác động tích cực hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi nếu không, các ngân hàng lo nợ xấu sẽ siết chặt trong việc cho vay, tín dụng tăng trưởng chậm sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn. Trong khi đó, nền kinh tế trông cậy vào những doanh nghiệp mới, tạo  công ăn việc làm mới. Đó là động lực mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.